Ngay từ đầu buổi đối thoại giữa UBND quận Tân Bình và khoảng 300 tiểu thương chợ Tân Bình sáng 25/9 về việc triển khai dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng chợ truyền thống Tân Bình, không khí đã rất “nóng” với hàng loạt những câu hỏi liên quan đến vấn đề bức bách của tiểu thương: dừng hay không dừng dự án xây chợ.
Xây mới để làm gì?
“Chợ An Đông là chợ sỉ, xây cao tầng nhưng hiện giờ chỉ có tầng 1 buôn bán được, tầng lửng phải đóng cửa làm kho. Tại An Đông Plaza, tầng lửng cũng bỏ trống. Khu vực trên lầu chợ An Đông, chợ Bình Tây còn ế thì lấy gì đảm bảo chợ Tân Bình mới sẽ bán được”, chị Nguyễn Thị Thanh, kinh doanh khu A1, B18, dẫn chứng.
Một tiểu thương khác đồng tình và cho rằng chợ truyền thống mà xây đến 6 tầng, tiểu thương nào nhận sạp ở tầng 3 trở lên coi như cầm chắc “giấy báo tử” vì kinh nghiệm ở nhiều trung tâm thương mại cho thấy từ tầng 3 trở lên rất khó buôn bán.
Hàng trăm tiểu thương chợ Tân Bình có mặt tại buổi họp sáng 25/9.
Chị Nguyễn Thị Thanh, kinh doanh khu A1, B18, bày tỏ nguyện vọng được nâng cấp chợ để có nơi buôn bán văn minh hơn, khỏi nắng mưa chứ không hề muốn xây chợ mới.
Đồng ý với chị Thanh, anh Vũ Minh Quân chủ sạp 9-10C ở khu A chợ Tân Bình thì cho rằng sạp chợ cũng giống như nhà của tiểu thương nên UBND quận không thể nói sạp không có giá trị và muốn lấy lúc nào cũng được. “Dân mình còn nghèo, chợ truyền thống Tân Bình cần giữ nguyên hiện trạng, sửa sang tu bổ để kinh doanh thuận tiện. Còn trung tâm thương mại thì ở TP rất nhiều, không có trung tâm nào khai thác được trên 20%. Không biết quận lấy số liệu điều tra nghiên cứu nào để nói rằng việc xây trung tâm thương mại và chợ cao tầng mang lại hiệu quả cho dân?”, anh Quân đặt câu hỏi.
Nhiều tiểu thương khác bức xúc trước thông tin chỉ được bồi thưởng 30 triệu đồng cho mỗi mét vuông sạp là bất hợp lý, trong khi chi phí bỏ ra để sang sạp mất tới 1 - 3 tỷ đồng. Một số người chỉ ra sự phí lý về chi phí thuê mặt bằng ở chợ mới. Cụ thể, anh Vũ Hoài Nam, chủ sạp A46 tính toán: “Đơn giá xây dựng 8 triệu đồng/m2 vị chi phí xây dựng sạp chợ chỉ 25 triệu đồng/sạp là tối đa, vì sao lại thu của tiểu thương 144 triệu đồng/sạp?"
Sẽ trình chủ tịch quận xem xét
Sau khi lắng nghe tất cả ý kiến của tiểu thương, ông Lê Sơn, phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết ông rất thông cảm, chia sẻ với bức xúc, lo lắng của bà con tiểu thương về dự án, phương án xây chợ mới. “Chúng tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp của tiểu thương trong tất cả 10 buổi làm việc, trình chủ tịch UBND và quận ủy để có quyết định cuối cùng và chọn phương án nào phù hợp với nguyện vọng tiểu thương”, ông Lê Sơn nói.
Đông đảo tiểu thương bức xúc bên ngoài cuộc họp.
Ông Lê Sơn cũng giải thích thêm rằng lãnh đạo quận không ai có người thân kinh doanh ở chợ Tân Bình hay “dính líu” gì đến công ty Tân Quang (chủ đầu tư trung tâm thương mại và chủ thầu xây dựng chợ) nên không có quyền lợi gì trong đó. Theo ông Sơn, việc xây chợ nhằm mục đích làm cho chợ khang trang hơn. Trước khi tham gia đấu thầu dự án, công ty Tân Quang đã chứng minh năng lực nhưng nếu tiểu thương không yên tâm thì UBND quận sẵn sàng kiểm tra lại năng lực nhà đầu tư này.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]