Âm mưu "3 chữ T" của Trung Quốc được khởi đầu bằng việc thu mua cây trâm cổ. Cách đây không lâu, người dân xã Long Môn (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) lao vào rừng tìm chặt những cây trâm cổ thụ để bán cho thương lái chở sang Trung Quốc tiêu thụ.
Được biết, một cây trâm mua tại rừng, rẫy của dân với giá chưa tới 500 ngàn đồng. Sau khi khai thác vận chuyển ra đường quốc lộ đã có giá trên 40 triệu đồng/cây.
Thấy giá có vẻ hấp dẫn, bà con người dân tộc thiểu số tại các huyện này lao vào chặt những cây trâm cổ thụ, có tuổi thọ dễ đến trăm năm.
Theo một số già làng ở xã Long Môn (huyện Minh Long, Quảng Ngãi), sở dĩ cây trâm cổ thụ vẫn còn nhiều ở các khu rừng, trong rẫy dân vì gỗ cây trâm người dân không sử dụng. Mỗi khi bứng cây trâm thì những cây con xung quanh cũng sẽ chết vì không còn cây trâm giữ nước. Việc bứng lấy bộ đế rễ cây trâm cũng sẽ khiến hàng loạt cây lớn nhỏ xung quanh bị đốn hạ. Chưa nói đến việc vận chuyển kéo cây trâm cổ thụ ra khỏi rừng sẽ san bằng các loại cây khác. Từ đây, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy. Đặc biệt, việc khai thác những cây ven đường vào mùa mưa bão rất dễ gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Trâm là loại cây mọc hoang, gỗ tốt, thường mọc ở đầu nguồn các con suối. Cây trâm không chỉ cho bóng mát mà còn là “người bạn” góp phần giữ nguồn nước cho các con suối. Giờ chặt trâm đi là đồng nghĩa với “tát cạn” nguồn nước vậy. Điều đáng nói là, các thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua nhưng chỉ thời gian đầu, khi thấy “cơ bản xóa xong rừng trâm” thì họ cao chạy xa bay, bỏ lại những thân trâm trơ trụi rồi héo khô theo thời gian.
Chư Sê là vựa tiêu của tỉnh Gia Lai, những năm qua giá cả có thất thường, người trồng tiêu không mấy mặn mà để chăm bón, nay thấy có người mua gốc, thôi thì nhổ quách đi, bán kiếm chút tiền, lấy đất trồng cây khác. Thế nhưng, khi các “đại lý thu mua” gom đầy sân thì những thương lái Trung Quốc chẳng thấy quay lại nữa. Để có một cây tiêu cho hạt, người trồng nó phải mất 4-5 năm, giờ nhổ đi rồi, lấy gì chi tiêu khi tiêu đã mất?
Tương tự như trâm và tiêu, một tháng qua, người dân vùng Vạn Ninh và Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa lao vào triệt hạ cây trắc dây để bán cho thương lái Trung Quốc. Ngư dân đánh bắt ven bờ của hai địa phương này “chuyển nghề”, từ đánh cá sang khai thác trắc dây tại các đảo hoang. Với giá 10.000-12.000đ/kg, mỗi ngày một ngư phủ cũng kiếm được 1 tạ gỗ trắc dây, tức 1-1,2 triệu đồng, hơn cả giăng lưới bắt cá. Lực lượng kiểm lâm đã bắt nhiều thuyền chở trắc dây, số lượng hàng chục tấn.
Đặc biệt, không chỉ mua gỗ lớn, các đầu nậu còn mua cả gộc rễ, gỗ trắc non, có cây đường kính chỉ bằng 2 ngón tay... Thấy lợi, rất nhiều thanh niên trong xã và những nơi khác đã bỏ đồng áng, ùn ùn lên rừng chặt gỗ. Theo Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, khu vực núi ở đây chỉ có gỗ trắc dây, mọc tự nhiên ở vùng đất cằn thuộc rừng phòng hộ, rừng trồng. Gỗ này thuộc nhóm 1 (quý hiếm, cấm khai thác), nếu khai thác, vận chuyển trái phép từ 3-6 m3 sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng, vượt khung trên sẽ bị truy tố hình sự.
Trắc cũng là cây mọc hoang trên các đảo, cũng giống như cây trâm, nó góp phần giữ nước. Phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có được cây trắc cho bóng mát, giờ chỉ cần một nhát rựa là xong! Thế nhưng, khi đã “gom đủ hàng” thì người mua biến mất, trắc dây (bằng cổ tay), giờ làm củi!
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]