Banh lông trước đây vốn là loài không có giá trị kinh tế, nhưng gần đây, thương lái Trung Quốc bỗng về các vùng biển tại miền Tây tung tin thu mua với giá từ 600.000 đến 800.000 đồng/kg khiến nhiều ngư dân Kiên Giang bỏ hàng chục triệu sửa tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ kéo nhau đi khai thác. Tại vùng biển huyện Kiên Hải – Kiên Giang, khá nhiều ghe tàu được đầu tư chỉ để chuyên đánh bắt banh lông bán cho thương lái Trung Quốc.
Để khai thác con banh lông, ngoài tàu thuyền, ngư dân phải đầu tư thêm lồng cào (giống như loại dùng để cào sò lụa nhưng có mắt lưới to hơn). Chi phí cho việc đầu tư dụng cụ này từ 40 đến 60 triệu đồng cho một thuyền.
Theo người dân xứ biển, con banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn, cát. Trước đây ngư dân các vùng biển hầu như không khai thác con này, chỉ đến khi thương lái Trung Quốc đến đặt mua với giá cao bà con mới tập trung cải tạo ghe thuyền, đầu tư lồng cào để khai thác. Đáng nói là từ mức chào giá ban đầu ngất ngưỡng gần 1 triệu đồng/kg, nay banh lông rớt xuống 100.000 đồng/kg nhưng rất khó bán.
Ông Trần Văn Mười, ở xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải – Kiên Giang cho biết: "Gia đình tôi đã đổ hơn 50 triệu đồng để sắm ngư lưới cụ đánh bắt banh lông. Nhưng chỉ 1-2 chuyến khai thác về bán giá cao, gần đây thì không bán được nữa".
Cũng theo ông Mười, nhiều chuyến biển về thương lái không chịu thu mua. Bình quân một chuyến ra khơi đánh bắt banh lông thường tốn từ 12-15 triệu đồng tiền dầu và thuê nhân công.
Trước Kiên Giang, thương lái Trung Quốc cũng về Cà Mau tung tin mua banh lông với giá gần 1 triệu/kg khiến nhiều người sắm lồng cào rồi đổ xô ra biển đánh bắt. Đến giữa tháng 4/2014, giá loài này chỉ còn trên dưới 100.000 đồng/kg nhưng không bán được, nhiều người đành bỏ lồng, lưới, quay trở về với nghề cũ.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, việc thương lái Trung Quốc thu mua banh lông với giá cao, sau đó để giá rớt thảm hại không phải lần đầu tiên xảy ra, mà trước đó đã có nhiều mặt hàng "mắc bẫy". Do vậy, người dân không nên ham lợi trước mắt mà đầu tư đánh bắt hoặc mua bán nông thủy sản với thương lái Trung Quốc khi chưa rõ nguyên nhân, không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
Theo Ngoc Trinh - Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]