Báo cáo thu nhập bình quân của viên chức quản lý tập đoàn, tổng công ty năm 2013 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy mức thu nhập cao nhất thuộc về lãnh đạo Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam là ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, với 74,72 triệu đồng/tháng. Thứ hai là ông Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 65,81 triệu đồng/tháng. Thứ ba là ông Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT PVN, với 64,35 triệu đồng/tháng. Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thu nhập 61,32 triệu đồng/tháng…
Thực hiện đúng quy định
Theo Bộ Công Thương, thu nhập nói trên được phê duyệt dựa trên Nghị định 51/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp (DN) và Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công khai minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu...
Bộ Công Thương phê duyệt quỹ lương, thù lao của viên chức quản lý công ty mẹ các tập đoàn kinh tế và tổng công ty năm 2013 sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Theo đó, quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý công ty mẹ các tập đoàn kinh tế và tổng công ty năm 2013 được tính theo 2 giai đoạn: Quỹ lương thực hiện 4 tháng đầu năm được tính theo Thông tư 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010 và Thông tư 19/2007/TT-BLĐTBXH ngày 4/10/2007; quỹ lương thực hiện 8 tháng cuối năm được tính theo hướng dẫn tại Thông tư 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9/9/2013.
Trao đổi với phóng viên chiều 24/9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết: Nghị định 51 của Chính phủ quy định các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có mức lương cao nhất là 36 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu DN làm ăn có lãi, nghị định cho phép lãnh đạo được hưởng mức lương gấp 1,5 lần mức cho phép nói trên. “Hiện nay chỉ áp dụng Nghị định 51 và thông tư hướng dẫn để trả lương cho lãnh đạo các tập đoàn, ngoài ra không còn quy định nào khác. Nếu lương lãnh đạo tập đoàn vượt mức tối đa quy định tại Nghị định 51 thì Bộ Công Thương phải xem lại phê duyệt, chi trả tiền lương, thù lao có đúng quy định không”, ông Huân nói.
Trong khi đó, theo một viên chức thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), mức lương thống kê trên được HĐQT của tập đoàn gửi báo cáo lên Bộ Công Thương để tổng hợp. “Theo đó, tập đoàn trả lương cho cán bộ thế nào thì báo cáo như thế bởi các số liệu đều được vào sổ đàng hoàng”, viên chức này khẳng định.
Lãnh đạo ngành xăng dầu có mức thu nhập từ 48-54 triệu đồng/tháng, tùy chức danh.
Vị này cũng cho biết hằng tháng, ông được nhận lương đúng với mức tối đa cho phép là 36 triệu đồng. Sau đó đến cuối năm, phụ thuộc vào các chỉ tiêu đạt được, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, làm ăn có lãi… thì sẽ được hưởng mức tiền thưởng tương ứng dựa trên chia lợi nhuận. Do đó, thu nhập bình quân sẽ cao hơn mức lương quy định là 36 triệu đồng/tháng.
Còn nhiều khoản bên ngoài?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng với DN làm ăn có lãi thì lương được nhân hệ số 1,5 là hoàn toàn đúng quy định. Trên thế giới, lãnh đạo các tập đoàn nhà nước được phép có mức lương chênh lệch 12 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Do đó, nếu so sánh với quy định của thế giới thì mức lương của lãnh đạo tập đoàn kinh tế Việt Nam không quá cao.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, nhờ có Nghị định 51 và quy chế công khai minh bạch nên mức lương của lãnh đạo DN nhà nước được khống chế ở mức khá hợp lý và thấp hơn trước kia. “Tuy nhiên ở Việt Nam, mức thu nhập này cao hơn nhiều đối tượng trong xã hội, cao khá nhiều so với quy định của Chính phủ, thậm chí có lãnh đạo lên đến trên 70 triệu đồng/tháng. Như vậy phải xem xét đến tính hợp lý, công bằng”, ông Doanh chia sẻ.
“Có nhiều lãnh đạo các tổng công ty “than phiền” về mức lương 36 triệu đồng/tháng là “không sống được”. Nhưng phải lưu ý là ở Việt Nam, thu nhập thực của lãnh đạo công ty ngoài lương ra còn nhiều bổng lộc, tiền thưởng, chế độ xe cộ, công tác… được tính thêm. Bộ Công Thương công bố thu nhập là một bước tiến bộ trong thực hiện quy chế công khai, minh bạch song vẫn cần xem xét công bố cả những khoản ngoài lương nữa”, TS Lê Đăng Doanh đề xuất.
Một cán bộ của Bộ LĐ-TB-XH cho rằng để có đánh giá đầy đủ, cần có cơ cấu bảng lương của từng người vì cách tính lương khá phức tạp, ngoài lương “cứng” còn có thưởng, phụ cấp, đồng thời phải xem xét đến đóng góp của DN với nền kinh tế. “Nếu DN làm ăn tốt thì việc hưởng lương xứng đáng với đóng góp là không có gì bàn cãi. Theo tôi biết năm 2013, các tập đoàn như Petrolimex, PVN… đều có lãi, chỉ có EVN lỗ tỉ giá. Nhưng cần có chế tài xem xét những khoản lỗ, lãi thực của các DN để quản lý việc chi lương, thưởng cho phù hợp”, vị này góp ý.
Vẫn còn “cào bằng”
Lãnh đạo một tập đoàn quy mô lớn thuộc Bộ Công Thương, đơn vị có trên 70 đầu mối tổng công ty và các công ty trực thuộc tập đoàn, cho rằng quy định mức lương “cào bằng” không quá 36 triệu đồng/tháng đối với tất cả các DN là chưa công bằng. “Có những tổng công ty quy mô nhỏ mà mức lương lãnh đạo cũng gần tương đương với lãnh đạo tập đoàn lớn, khối lượng công việc nhiều, phạm vi hoạt động cả nước thì không hợp lý”, vị này nói.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]