Rộ hàng len, sợi, nỉ
Chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) có thể xem là khu chợ phản ánh xu hướng thời trang phổ thông sinh động và chân thực nhất. Một nhân viên nhanh nhảu giới thiệu “hàng treo khu vực mặt tiền này đều là mẫu mã mùa đông xuân mới nhập về từ Thái Lan. Hàng đẹp giá mềm, mời vào chọn”.
Hàng loạt những mẫu áo chất liệu len, sợi, đủ màu sắc, kiểu dáng khác nhau. Chỉ riêng áo sợi dạng móc đã có hơn chục mẫu: áo khoác; áo chui đầu cổ tròn, cổ thuyền, tay dài, tay ngắn, vạt bầu, vạt ngang, tà trước thấp, tà sau dài; áo hai dây; áo sợi kết hợp thêm ren, thêm kim tuyến, cườm để tạo điểm nhấn. Cô bán hàng còn quảng bá, “mùa này buổi tối hơi se lạnh nên mặt hàng sợi rất được ưa chuộng. Hơn nữa, mặc mấy mẫu có kim tuyến, cườm vào ban đêm sẽ lấp lánh và thu hút”.
Mặt hàng len cũng rất đa dạng với len sợi mỏng, sợi dày, len hai sợi kiểu cổ thuyền, tay dài với sự khác biệt trong cách pha sợi, phối màu. Ngoài ra còn có nhiều mẫu chất liệu dạng len nhún, thun pha len và dạng vải nỉ… Giá của các mẫu mới này cũng khá mềm, chỉ dao động từ 150.000-220.000 đồng/sản phẩm.
Tuy không dày đặc như ở chợ Phạm Văn Hai, nhưng tại các trung tâm Taka Plaza, Saigon Square (quận 1, TP.HCM) và một số chợ như Bàn Cờ (quận 3), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), mặt hàng len, sợi cũng chiếm một vị trí đáng kể trên các quầy hàng. Một chị bán hàng ở Taka Plaza cho biết, thời trang đón đầu mùa lạnh nên phải có hàng mới để khách mua dần. “Khách hàng nên mua từ bây giờ, vừa dễ chọn lựa, giá lại mềm hơn, đợi đến cận ngày mới mua thì giá rất cao”, chị Lan, chợ Phạm Văn Hai tư vấn.
Tuy cũng háo hức với các mẫu mã mới nhưng người mua kỹ tính sẽ dễ hoang mang về xuất xứ của hàng hóa, bởi hầu hết người bán đều giới thiệu đó là hàng Thái Lan; nhưng một vài người lại bảo “đây là hàng Việt Nam chứ hàng Thái Lan thường giá cao hơn, không rẻ như vậy”. Chị Lê Di có xưởng may chuyên gia công hàng bỏ mối cho các chợ chia sẻ: Hàng dệt kim, len sợi chắc chắn là hàng Trung Quốc. Thái Lan không mạnh về hàng len, sợi. Việt Nam lại càng kém hơn. Mặt khác, thị trường nguyên liệu vải len, sợi của Việt Nam cũng rất hiếm hàng.
Thời trang hàng Việt có thương hiệu lại khá chậm chạp, nhạt nhòa.
Hàng Việt: Kiểu dáng xưa cũ
Trong khi hàng thời trang ở chợ nhộn nhịp, đa dạng thì không khí tại hệ thống cửa hàng của các nhãn hiệu thời trang Việt Nam như: NinoMaxx, Blook, Việt Thy, PT2000, The Blues… lại đìu hiu, tẻ nhạt. “Buồn” nhất phải kể là nhãn hiệu NinoMaxx. Sảnh chính của một cửa hàng NinoMaxx trên đường Hai Bà Trưng trưng bày những mẫu áo thun, sơ mi đã rất… cổ xưa. Phía trong là hai chiếc bàn chất đống quần, áo, đầm đang trong chương trình giảm giá. Khi hỏi những mẫu mới ở đâu thì một nhân viên chỉ vào hai sào đồ đặt dưới chân cầu thang cho biết “đây là hàng mới về”. Lẫn lộn trong đó là áo, là đầm, là váy, không thể hiện theo một chủ đề hay có bất kỳ một sự kết nối nào.
Tình hình tại cửa hàng của Blook, Việt Thy, The Blues cũng tương tự. Theo giới thiệu của nhân viên thì mỗi nhãn hiệu có khoảng năm-sáu mẫu mới, chủ yếu là áo, với những chất liệu cũ như voan, thun cotton. Khởi sắc một chút là nhãn hiệu PT2000 có được khoảng bốn mẫu mới, chất liệu len với áo chui đầu và áo khoác. Chỉ riêng nhãn hiệu Ha Gattini với sở trường len sợi sẵn có, mùa này ra mắt được khoảng gần 10 mẫu mới, khá tương ứng với các kiểu dáng ngoài thị trường như sợi có pha kim tuyến, phối hợp thêm chất liệu voan… Đường may, cắt cúp và chất liệu len sợi của nhãn hiệu này đẹp, tinh tế hơn, giá cả cao hơn hàng chợ.
Tương tự, thời trang Việt Thy tung ra bộ sưu tập mùa thu với gần 38 mẫu mã mới từ chất liệu dệt kim, kết hợp sọc đan xen nhau, sợi cotton thô hiệu ứng hạt… tuy nhiên, do thay đổi nhận diện thương hiệu nên cách trưng bày chưa thật sự bắt mắt. Bà Quỳnh Đoan, giám đốc thương hiệu này cho biết, thương hiệu đang tập trung vào các trung tâm thương mại lớn nên có thể hàng hóa tại các cửa hàng thời trang chưa tập trung nhiều. Bà Quỳnh Đoan cũng thừa nhận, ngoài tình hình chung sức mua chậm, các thương hiệu trong nước đang bị cạnh tranh bởi sự đa dạng của hàng ngoại, nhất là Trung Quốc. Cụ thể, một cửa hàng thời trang chuyên bán hàng Trung Quốc sẽ có nhiều thương hiệu để khách lựa chọn theo phong cách của mình. Vì thế, dù nhãn hiệu Việt mỗi tháng đều có ra mẫu mới, chất lượng nâng cao nhưng vẫn không đủ sức hút các tín đồ thời trang sành điệu.
Đại diện Gamex Sài Gòn, đơn vị có nhiều năm làm hàng gia công cho nhãn hiệu The Blues, ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc cho biết: “Chỉ 10% mẫu mã của các thương hiệu thời trang Việt Nam là thay đổi, cập nhật theo mùa trong năm”. Đó là lý do khi bước vào các cửa hàng thời trang Việt Nam, người tiêu dùng ít nhận thấy sự thay đổi về kiểu dáng sản phẩm.
Ông Nguyễn Ân lý giải về cái “khó” của thương hiệu thời trang Việt Nam: “Sản xuất hàng theo mùa có nguy cơ bị tồn kho rất cao nên các thương hiệu hạn chế làm. Nếu có làm, vì sản xuất số lượng ít nên giá cao hơn so với hàng cổ điển, khi ấy lại khó bán và hàng nhanh lỗi thời”. Cái vòng lẩn quẩn này đã khiến các thương hiệu chọn giải pháp an toàn là đa phần mẫu mã (60%) định hình theo phong cách cổ điển, căn bản vì những hàng này có thể sản xuất số lượng lớn hàng trăm ngàn cái/mẫu, phục vụ cho nhiều đối tượng và lúc nào cũng có thể bán được; 20% mẫu thì phải sống được vài mùa; chỉ 10% mẫu thay đổi theo mùa trong năm.
Thật khó hiểu khi các thương hiệu thời trang Việt Nam cứ “bình chân như vại”, ngay cả trong mùa cao điểm nhất. Thế nên, thật khó cho người tiêu dùng dù luôn muốn ủng hộ hàng Việt.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]