Bán xăng cho khách theo giá mới tại Cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Mỗi khi giá xăng tăng thì những câu chuyện liên quan đến đến mặt hàng thiết yếu này lại được bàn tán và trở thành đề tài “nóng” của đại bộ phận người dân.
Không khó để lý giải vấn đề này bởi thực tế là mỗi lần xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ. Điệp khúc tăng nhanh, giảm chậm của giá xăng đã trở nên quá quen thuộc và công luận luôn đòi hỏi tính minh bạch trong điều hành giá xăng dầu và đây cũng là tiêu chí mà các cơ quan quản lý hướng tới.
Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hàn h thay thế cho Nghị định 84 hiện hành với những điểm mới trong cơ chế điều hành giá xăng dầu được kỳ vọng là sẽ minh bạch công thức hình thành giá, quản lý chặt việc tăng, giảm giá, góp phần bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nguyên nhân tăng giá và lỗi nhịp
Đã có những thời điểm việc điều hành giá xăng dầu tăng, giảm liên tục đã gây những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu thế giới do Việt Nam nhập khẩu lương xăng dầu thế giới chiếm đến 70%. Do vậy, phải dựa trên giá xăng dầu thế giới để làm tham chiếu điều hành giá xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước có quy định giá cơ sở để xác định giá điều hành giá xăng dầu trong nước, trong giá cơ sở gồm rất nhiều các chi phí cấu thành ví dụ đối với giá nhập khẩu, các loại thuế, phí khác hình thành nên giá xăng dầu trong nước.
Xăng dầu là mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật giá và các quy định của Chính phủ. Vì thế, Nhà nước cần có sự quản lý và điều tiết giá xăng dầu theo quy định của Chính phủ. Đáng chú ý là Nhà nước sẽ quyết định giá cơ sở và tần suất điều hành giá, biên độ điều chỉnh để doanh nghiệp, người dân cũng như cơ quan quản lý cùng giám sát và điều hành giá xăng dầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lâu nay dư luận vẫn luôn đặt câu hỏi với việc giá xăng luôn tăng nhanh giảm chậm và giá xăng trong nước thì luôn lạc nhịp với giá xăng thế giới. Lý giải vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng, việc tính giá cơ sở dựa vào chu kỳ bình quân 30 ngày như hiện nay chính là điểm cần tháo gỡ và việc tính giá cơ sở dựa vào chu kỳ 15 ngày sẽ hợp lý hơn và sẽ dần khắc phục những tình trạng trên.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam, chu kỳ tính giá nên là 15 ngày sát chu kỳ tính giá thì sẽ bám sát được diễn biến của giá thị trường thế giới và sẽ hạn chế được việc giá thế giới giảm mà giá trong nước lại tăng và ngược lại.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc tính giá theo chu kỳ 15 ngày đầu sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý tốt hơn và đặc biệt là người dân có thể nắm rõ hơn thông tin về giá.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho rằng, liên quan đến việc giá trong nước và thế giới luôn lạc nhịp các cơ quan chức năng cũng đã xem xét rất kỹ nguyên nhân tại sao mặc dù đã điều hành rất đúng theo quy định của Chính phủ.
Ông Tuấn cho biết, việc tính bình quân giá 30 ngày theo chu kỳ tính giá và tần suất điều chỉnh giá là 10 ngày, do vậy sẽ có độ trễ nhất định và vẫn bị hiểu nhầm là tăng nhanh, giảm chậm. Vấn đề này sẽ được khắc phục khi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hàn h sẽ quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày và tính giá bình quân cũng là 15 ngày có hiệu lực thi hành.
Đổi cơ chế hướng tới sự minh bạch
Để khắc phục những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua, ngày 3/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83 thay thế cho Nghị định 84 và mọi hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ được thực hiện theo nghị định mới kể từ ngày 1/11/2014.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị định đưa ra một số điểm mới trong cơ chế điều hành giá xăng dầu, được kỳ vọng là sẽ minh bạch công thức hình thành giá, quản lý chặt việc tăng, giảm giá... qua đó góp phần bảo đảm quyền lợi của 3 bên liên quan là: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 84 cơ bản đã thực hiện tốt chức năng Nhà nước điều hành, quản lý về giá. Tuy nhiên, trên cơ sở một số tồn tại, Liên bộ Tài chính và Công Thương đã trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, với Nghị định mới được ban hành, việc điều hành giá sẽ có một số điểm khác biệt đáng chú ý như việc giảm tính bình quân giá theo quy định Nghị đình 84 từ 30 ngày xuống còn 15 ngày, rồi nâng tần suất điều hành giá từ 10 ngày lên 15 ngày. Bên cạnh đó, sẽ công khai, minh bạch hơn về giá cơ sở, trong Nghị định mới quy định rõ, trách nhiệm của các Bộ ngành là công khai giá cơ sở. Một điểm mà theo ông Tuấn là rất đáng chú ý là câu chuyện liên quan đến quỹ bình ổn giá, theo đó, quỹ bình ổn được trích lập tại các ngân hàng để giám sát.
Trước đây, việc điều hành giá là Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương thì tới đây sẽ đảo lại là Bộ Công Thương điều hành phối hợp với Bộ Tài chính. Điểm nữa, theo quy định Nghị định 83, sẽ giảm biên độ điều chỉnh giá từ 7% xuống còn 3% để cho doanh nghiệp chủ động hơn. Khoảng từ 3-7% Nhà nước sẽ xem xét điều hành và trên 7% sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Đây là một điểm mới nhằm tránh tác động của việc tăng, giảm giá ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định 83 có rất nhiều điểm mới căn bản, tạo điều kiện để thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường, theo đúng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ là phải đưa thị trường xăng dầu Việt Nam tiệm cận với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới.
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam điểm mới đáng chú ý mà các doanh nghiêp hết sức quan tâm đó là việc, trước đây chỉ có 3 đối tượng tham gia thị trường: đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ thì tới đây có thêm 2 đối tượng nữa tham gia là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối không kém gì đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có kém là không được nhập khẩu nhưng được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và tự quyết định giá.Thương nhân nhận quyền có quyền nhận quyền bán lẻ của thương nhân phân phối khác để phân phối bán lẻ. Đây được xem là điểm mới tiến bộ bởi nó tạo ra sự cạnh tranh.
Vẫn liên quan đến câu chuyện về giá, ông Ruệ nhìn nhận, trước đây theo Nghị định 84, giá do doanh nghiệp quyết định nhưng thực tế là do cơ quan quản lý quyết định. Còn theo quy định tại Nghị định 83 thì không chỉ doanh nghiệp là đầu mối quyết định giá mà thương nhân phân phối cũng được tự quyết định về giá nếu biên độ dao động giá dưới 3%. Nghĩa là cứ biến động 1-3% thì doanh nghiệp điều chỉnh giá, có thể có những doanh nghiệp tăng hoặc giảm 1% họ đã điều chỉnh, hoặc có những doanh nghiệp khi tăng, giảm đến 2 hoặc 3% họ mới điều chỉnh. Điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt trong giá bán xăng dầu, nghĩa là thị trường sẽ có nhiều giá bán lẻ khác nhau.
“Đó là điểm mới và rất hay, doanh nghiệp sẽ tự do điều chỉnh giá, đừng nên can thiệp mốc thời gian sẽ càng gây khó cho doanh nghiệp, người tiêu dùng được quyền lựa chọn mua của doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác” ông Ruệ nhấn mạnh.
Xoay quanh câu chuyện về việc doanh nghiệp được tự điều chỉnh giá có thể hiểu như sau, nếu như trước đây giá xăng dầu chỉ ở mức 20.000 đồng/lít thì doanh nghiệp được quyền quyết định giá ở mức 7%, có nghĩa họ có quyền điều chỉnh giá khoảng 1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, nay giá xăng đã lên tới khoảng 25.000 đồng/lít, nếu vẫn giữ mức trên, doanh nghiệp có quyền tăng đến khoảng 2.000 đồng/lần/lít.
Theo các chuyên gia, việc điểu chỉnh giá theo nghị định mới sẽ phù hợp với khả năng chấp nhận của nền kinh tế và bản thân người dân sẽ được lợi khi giá thế giới biến động, chỉ phải chịu mức tăng giá khoảng 500-600 đồng/lít/lần và không bị tăng giá sốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nghị định 83 có nhiều điểm mới, thông tư hướng dẫn cần cụ thể thì nghị định này mới thực sự đi vào cuộc sống. Một số ý kiến cho rằng, tới đây liên bộ Tài chính-Công Thương cần một thông tư liên tịch, tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn với nhau.
Thực tế cho thấy, xăng dầu luôn là mặt hàng thiết yếu và việc Chính phủ kiện định mục tiêu thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước là hoàn toàn hợp lý. Mọi sự thay đổi đều hướng tới mục tiêu minh bạch hơn cho thị trường nhạy cảm này. Và dù có sự thay đổi thì việc điều hành giá xăng dầu cần phải đảm bảo lợi ích vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng trước, sau đó đến lợi ích của doanh nghiệp rồi đến Nhà nước./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]