Lực lượng Công an và Quản lý thị trường kiểm tra bánh kẹo tại các kho hàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo báo cáo của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2014, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, song tình hình vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.
Mối lo hàng tồn kho
Cụ thể là do sức mua ở mức thấp, hàng hóa không tiêu thụ được nên số lượng hàng hết hạn sử dụng tồn kho nhiều đã dẫn tới hành vi sửa hạn sử dụng để bán ra thị trường.
Không những thế, cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng hàng hóa có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận An toàn thực phẩm không phù hợp với hàng hóa thực; hoặc hàng hóa không có nguồn gốc được trà trộn vào hàng trong nước gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tính riêng năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.283 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính với số tiền là 9,27 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo chất lượng trị giá trên 5,4 tỷ đồng.
Trước những diễn biến phức tạp trên, ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội cơ động Quản lý thị trường Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Vietnam+ về các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên Đán.
Tạm giữ hàng chục tấn trái cây xuất xứ Trung Quốc tại chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức. (Ảnh: TTXVN)
Xin ông cho biết công tác kiểm soát thị trường đối với mặt hàng thực phẩm trong dịp tết này như thế nào?
Ông Dương Ngọc Viện: Cứ đến dịp cuối năm, nhất là sát Tết Nguyên Đán thì nhu cầu tiêu thụ của nhân dân tăng cao, cùng với đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm cũng được đẩy mạnh.
Đây cũng là dịp mà một số phần tử cơ hội lợi dụng để làm ăn bất chính, đưa hàng giả, kém chất lượng hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Trước tình hình đó, thành phố đã giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên Đán nhằm đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng khi lưu thông trên thị trường.
Ngay từ tháng 11/2014, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã xây dựng kế hoạch để triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng An toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, tập trung mạnh vào các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, mứt... các kho đông lạnh, bến bãi trung chuyển hàng hóa và các cơ sở chế biến lớn.
Để đảm bảo tốt việc này, Đội Quản lý thị trường số 17 đã mua sắm thêm các thiết bị để thử mẫu các sản phẩm đang kinh doanh và lưu thông trên thị trường, khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tâm lý hoang mang
Qua theo dõi tình hình thị trường, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực này như thế nào thưa ông?
Ông Dương Ngọc Viện: Có thể thấy, trong thời gian gần tết, các vi phạm liên quan đến nguồn gốc hàng hóa (hàng không nhãn mác, không có giấy tờ kiểm dịch, hàng trôi nổi trên thị trường...) có dấu hiệu tăng mạnh.
Theo tôi mặc dù phần lớn các cơ sở đã nhận thức được vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên vẫn có các cơ sở mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc về chế biến hàng hóa nhằm kiếm lời, điều đó đó gây ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng khi mua phải thực phẩm bẩn.
Do vậy, để đảm bảo ổn định thị trường, Đội Quản lý thị trường số 17 đã tăng cường kiểm tra không kể các ngày nghỉ, ngày lễ, thậm chí dàn quân 24/24 giờ để đẩy mạnh việc trinh sát cũng như bắt giữ các đối tượng vi phạm.
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 17 đã thu giữ được một lượng hàng khá lớn, chủ yếu như mứt, ô mai, bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh không đảm bảo chất lượng. Số hàng hóa này sau khi đã ra quyết định xử phạt chủ hàng, cơ quan chức năng đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy.
Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Từ thực tiễn kiểm tra, theo ông việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này đang tồn tại những vấn đề gì đáng lưu ý?
Ông Dương Ngọc Viện: Khó khăn nhất đối với lĩnh vực An toàn vệ sinh thực phẩm là bằng mắt thường không thể nhận biết được đó là sản phẩm tốt hay xấu. Muốn có được cơ sở kiểm tra thì phải tăng cường việc mua mẫu, giám định, nếu phát hiện vi phạm mới tiến hành các biện pháp xử lý.
Do vậy, ở góc độ người dân, khi mua hàng hóa cần chọn các thương hiệu có uy tín và cẩn thận hơn nên xem kỹ việc ghi nhãn mác, nhất là tên cơ sở sản xuất và hạn sử dụng... nếu có dấu hiệu nghi ngờ cần báo ngay cho lực lượng chức năng để có các biện pháp ngăn chặn.
Đối với cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm theo thời vụ, nhỏ lẻ, ngoài việc kiểm tra giám sát theo phân cấp quản lý nhà nước còn có sự kiểm tra chéo địa bàn. Một số địa phương đã giao nhiệm vụ cho mạng lưới y tế để nắm bắt và giám sát cơ sở chế biến thực phẩm khi đưa ra lưu thông.
Khó phân biệt hoa quả nhập khẩu
Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc sản xuất và kinh doanh mứt tết, đây là mặt hàng dễ bị làm giả nhất, vậy lực lượng quản lý thị trường đã có các giải pháp gì thưa ông?
Ông Dương Ngọc Viện: Thị trường mứt tết đến thời điểm này đang được các cơ sở đẩy mạnh việc mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đội Quản lý thị trường số 17 cũng đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ để làm rõ nguồn gốc hàng hóa đưa vào sản xuất, nhất là nguyên liệu đầu vào, nếu các cơ sở không chứng minh được về chất lượng thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành tịch thu.
Mới đây nhất, ngày 20/12, Đội Quản lý thị trường số 17 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra 2 cơ sở sản xuất ô mai tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã phát hiện và thu giữ gần 3 tấn ô mai mơ mặn được đóng gói trong bao tải không có nhãn hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra nguyên liệu đầu vào để đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Gần đây có thông tin về việc một số hoa quả gắn nhãn mác Australia, Mỹ đưa vào Việt Nam tiêu thụ... vậy với vai trò Quản lý thị trường việc kiểm tra các mặt hàng này như thế nào?
Ông Dương Ngọc Viện: Hoa quả là mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên trong các quy định của Việt Nam vẫn chưa có điều khoản nào nói rõ là hoa quả phải dán nhãn mác khi lưu thông trên thị trường. Do vậy, ngay bản thân người dân khi thu hoạch, đưa ra thị trường thường cũng chưa xác định rõ được đó là sản phẩm của vùng miền nào, cho nên việc phân biệt giữa hoa quả trong nước và nhập khẩu rất khó khăn.
Theo tôi, các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả đường đường chính chính bao giờ cũng muốn đưa những thương hiệu nổi tiếng vào kinh doanh và thể hiện trên nhãn mác của mình, nhưng cũng không tránh khỏi việc lợi dụng để dán nhãn mác các sản phẩm có thương hiệu trên thế giới lên các sản phẩm hoa quả.
Trong thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 17 đã phối hợp với các lực lượng khác thường xuyên tiến hành kiểm tra các chợ đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh hoa quả nhập khẩu để xác định rõ về nguồn gốc, xuất xứ, khi phát hiện sai phạm cũng sẽ tiến hành tịch thu và tiêu hủy.
Xin cảm ơn ông./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]