Phiên 7 đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakshtan dự kiến sẽ được tổ chức tại Liên bang Nga vào trung tuần tháng 9 này. Trong phương án đàm phán của Việt Nam, dự kiến Việt Nam sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu của hơn 167 mã hàng hóa của ngành thép về 0% kể từ đầu năm 2015.
Hiệp hội thép Việt Nam ngay lập tức đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương về phương án thuế nhập khẩu sắt thép trong hiệp định này, đồng thời cho rằng, nếu phương án này được giữ nguyên, sẽ xảy ra đổ vỡ hàng loạt trong ngành công nghiệp thép.
Hàng trăm tấn thép xây dựng đang tồn đọng, sản xuất chỉ đạt từ 40 đến 60% công suất thiết kế… Đó là thực trạng khá phổ biến của các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng. Một số doanh nghiệp thép cho biết, nguyên nhân chính là do cung đã vượt quá xa cầu.
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thép Việt Ý nói: “Chúng tôi với qui mô vừa và nhỏ nên không thể cạnh tranh được với nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới là Nga. Chỉ có những doanh nghiệp lớn có qui mô trên 1 triệu tấn mới có thể sống sót được khi hiệp định này được ký kết”.
Ông An Sung Gu, Trưởng đại diện POSCO South Asia Hà Nội cho biết: “Sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và các nước ASEAN được ký kết, thép giá rẻ nhập khẩu từ khu vực này đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong nước. Tuy nhiên, thép xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia, Malaysia, Thái Lan… lại không dễ dàng vì bị áp thuế chống bán phá giá. Bây giờ lại có thêm thép từ Nga mà giá thành có thế rẻ hơn cả thép Trung Quốc, sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các nhà sản xuất thép nội địa”.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc thuế nhập khẩu về 0% ngay lập tức đối với phần lớn các dòng thép sẽ dẫn tới nguy cơ xóa sổ ngành sản xuất thép trong nước. Hiệp hội đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Công thương, đề xuất 41 mã hàng chỉ đưa về mức thuế suất 0% sau 10 năm kể từ khi Hiệp định được thực thi. Theo Hiệp hội, đây là những mặt hàng cốt tử đối với ngành thép trong nước
Ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói: “Lộ trình này cần theo lộ trình của WTO, đừng làm nhanh quá, ngành thép sẽ chưa thể theo kịp”.
Tuy nhiên, Bộ Công thương lại cho rằng, trong 167 mặt hàng thép đang đàm phán để đưa về thuế suất 0% chỉ có hơn 20 mặt hàng thuộc diện nhạy cảm cần có lộ trình giảm thuế thích hợp.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương nói: “Diện hàng hóa nhạy cảm đối với sắt thép Việt Nam không phải lớn như chúng ta nghĩ. Với diện hẹp như vậy, việc đàm phán có lộ trình, có quota là việc chúng tôi đang làm chứ không phải tất cả các mặt hàng sẽ giảm ngay về 0%”.
Trong một thông báo gửi đi vào chiều 12/9, Bộ Công thương đã chính thức tuyên bố, do khoảng cách địa lý ở xa, thép Nga cũng sẽ rất khó cạnh tranh với thép tại Việt Nam. Không có chuyện ngành thép phá sản hàng loạt sau khi Hiệp định liên minh hải quan được ký kết, tuy nhiên, Bộ Công thương sẽ lắng nghe kiến nghị của các Doanh nghiệp trong quá trình đàm phán.
Dự kiến Nga, Belarus, Kazakhstan và Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán Liên minh hải quan vào cuối năm nay.\
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]