Chỉ trong 2 năm 2006-2008, Chính phủ tăng thêm 15% thuế tiêu thụ đặc biệt, thuốc lá lậu đã tăng đột biến lên 6 tỷ điếu, khiến ngân sách thất thu nặng. Hiệp hội Thuốc lá đang lo ngại, việc tăng thuế trong bối cảnh hiện nay có thể khiến kịch bản tác dụng ngược trên lại tái diễn. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Bộ Tài Chính soạn thảo sẽ trình ra Quốc hội vào tháng 8 tới, trong đó, mặt hàng thuốc lá điều là một trong các mặt hàng sẽ phải chịu tăng thuế.
Cụ thể, thuế TTĐB đối với thuốc lá sẽ nâng từ 65% lên 75% từ ngày 1-7-2015 tới hết năm 2017, và sẽ nâng thêm 10% nữa từ ngày 1-1-2018. Bộ Tài chính ước tính số thu từ sắc thuế này đối với mặt hàng thuốc lá sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 2.930 tỷ đồng, năm 2017: 3.300 tỷ đồng, năm 2018: 7.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam lo ngại, việc tăng thuế vào thời điểm này có thể dẫn tới tác dụng ngược. Thực tế nhiều năm qua, sau mỗi đợt tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là tình trạng buôn lậu thuốc lá lại tăng mạnh.
Theo phân tích của cơ quan này, năm 2006, khi thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá tăng từ 45% lên 55%, năm 2008, tăng tiếp lên 65% thì cũng là giai đoạn, thuốc lá lậu cũng tăng đột biến, từ 12 tỷ điếu năm 2006 lên 18 tỷ điếu năm 2008.
Thuốc lá lậu gia tăng .
Do
trốn thuế, dân buôn có thể bán rẻ hơn thuốc lá sản xuất trong nước nhiều lần, khiến cho người
tiêu dùng do thu nhập thấp quay sang hút thuốc lá lậu. Khi đó, thuốc lá sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tổng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ giảm. Và mức giảm này, cộng với khoản thuế thất thu ở sản lượng tiêu thụ thuốc lá lậu, có thể lớn hơn cả phần tăng thu ngân sách do tăng thuế.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thuốc lá, hiện nay, tình trạng nhập lậu thuốc lá điếu vào Việt Nam vẫn đang gia tăng nhanh chóng. Riêng năm 2013, khoảng 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu đã lọt vào thị trường Việt Nam. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, thuốc lá lậu tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013.
Thuốc lá nhập lậu hiện được bán và tiêu dùng công khai tại tất cả các cửa hàng trên phạm vi toàn quốc, đã tác động xấu đến nhiều mặt
kinh tế và
xã hội của đất nước:
Theo ước tính của hiệp hội, với hàng tỷ điếu thuốc lá lậu được mua bán công khai trên, ước mỗi năm, ngành sản xuất này đã phải tốn kém tới 18.000 tấn nguyên liệu, tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta. Để cho ra sản lượng lớn đó, sẽ phải tốn mất 5 triệu công lao động của người nông dân/năm và 600.000 công lao động của công nhân chế biến. Điều này cũng đồng nghĩa, người dân bị mất việc làm.
Thuốc lá lậu không tuân thủ bất kỳ quy định nào về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và lộ trình giảm Tar và Nicotine. Do không bị kiểm soát được chất lượng nên thuốc lá lậu sẽ gây tác hại nhiều đến sức khỏe cộng đồng.
Trước tình trạng này, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương cần tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhập lậu thuốc lá. Đặc biệt, các địa phương cần phải kiên quyết chống buôn lậu thuốc lá ở cả đầu vào và đầu ra, ngăn chặn buôn lậu thuốc lá tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới và phải đồng thời kiểm tra và xử lý nghiêm các cửa hàng, tụ điểm, đối tượng lưu trữ, vận chuyển buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên thị trường.
Ngoài ra, Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại việc tăng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu. Thay vào đó, Chính phủ cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Sau khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, sẽ xem xét tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình tăng dần, phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Baotinnhanh