Tuy nhiên, do được giá, nhiều người đổ xô vào rừng khai thác khiến loại cây này đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Tại thôn Tre, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), người dân rất phấn khởi khi dễ dàng kiếm được khoản phụ thu khá từ cây khổ sâm. Bà Hồ Thị Sương cho hay: "Hôm rảnh, tôi lại lên núi khai thác, một ngày kiếm vài trăm ngàn. Thương lái họ chuộng cây khổ sâm lắm, bao nhiêu cũng mua, nhiều khi còn đặt hàng trước mà không có nguồn cung."
Chúng tôi theo chân ông Hồ Minh Trí, Bí thư chi bộ thôn Tre lên rẫy. Sau 15 phút men theo con dốc dựng đứng, đập vào mắt là màu xanh bạt ngàn của rừng cây khổ sâm. Ông Trí chia sẻ: "Cùng với cây chuối, hơn 10 năm nay, cây khổ sâm đóng vai trò quan trọng trong việc xói đói giảm nghèo bền vững cho gia đình tôi cũng như bà con vùng cao này. Bản thân không biết thương lái mua cây khổ sâm làm gì, chỉ nghe nói, cây này xuất bán sang bên Trung Quốc làm thuốc trị đau bụng, tiêu chảy. Thương lái tìm mua trả tiền sòng phẳng, thậm chí còn ứng trước tiền cho dân."
Mùa cao điểm thu hoạch cây khổ sâm là từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Đầu mùa, giá cây khổ sâm rất thấp, chỉ vài nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện, giá bình quân đã lên đến 20.000 đồng/kg. Lúc khan hiếm hàng lên tới 27.000 đồng/kg. Nếu gặp may, nhiều người có thể thu nhập từ 240.000-300.000 đồng/ngày. Số tiền này tuy không nhiều nhưng hơn hẳn so với làm nương, rẫy.
Theo ông Vũ Văn Anh, Chủ tịch hội Đông y thành phố Quảng Ngãi, đây là loại dược liệu quý chuyên chữa các bệnh về đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ, viêm loét dạ dày, tá tràng, đau bụng, tiêu hoá kém. Ngoài ra, cây có tác dụng chữa sốt rét. Loại cây này mọc nhiều ở những khu rừng mát mẻ, ẩm ướt như Trà Bồng và Tây Trà.
Với đặc tính hữu dụng, cây khổ sâm đang được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tận thu ồ ạt, thiếu kiểm soát như hiện nay sẽ khiến loài cây quý này có nguy cơ tuyệt chủng, khó nhân rộng trong thời gian tới.
“Hết sâm Ngọc Linh, cây hoàng đằng, cây thiên niên kiện, cây phổ phục linh, nay lại đến cây khổ sâm. Cứ đà này, dược liệu quý chẳng còn” - ông Nguyễn Ngọc Lư, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội Đông y thành phố Quảng Ngãi trăn trở.
Cũng theo ông Lư, khí hậu đặc thù của khu vực miền Trung là nhiệt đới gió mùa nên các cây dược liệu cho hàm lượng tinh bột và tinh dầu cao nhất so với các vùng khí hậu khác. Vì thế, Trung Quốc rất ưa chuộng các cây dược liệu từ khu vực này. Theo đó, thương lái về vùng sâu, vùng xa kích giá để tận thu.
Trước thực trạng đó, các cấp ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc tuyên truyền sâu rộng để bà con có ý thức gìn giữ, phát triển mạnh cây cứt chuột, tạo sinh kế xóa đói giảm nghèo lâu dài./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]