Thực hiện Nghị định 36 để vực dậy ngành cá tra, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng (ảnh), cho rằng, cấp bách hiện nay là tái cấu trúc về tài chính doanh nghiệp chế biến.
Tiến sỹ Dũng giải thích: Do đặc trưng của ngành đòi hỏi nguồn vốn lưu động lớn, trong khi nguồn vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế, nên hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng vốn vay ngắn hạn, nhằm đáp ứng đủ vốn lưu động kinh doanh.
Năm 2013, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cá tra đều sử dụng nợ ngắn hạn khá cao, trung bình chiếm tới 97% tổng số nợ. Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lãi suất cao trong thời gian qua kết hợp với việc sản xuất không hiệu quả đã làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay vốn càng dè dặt hơn do ảnh hưởng của các công ty thủy sản Bình An, Phương Nam, Sông Hậu… càng làm cho các doanh nghiệp trở nên khó khăn về tài chính.
DOANH NGHIỆP NỢ LỚN
Ông có thống kê cụ thể nào về vay nợ của các doanh nghiệp không?
Tôi có thống kê nợ của 10 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2013. Xin không công bố cụ thể từng doanh nghiệp, mà con số khái quát thế này: Tổng nợ gần 15.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm gần 98%, còn lại nợ dài hạn. Doanh nghiệp có tỷ lệ nợ ngắn hạn trong tổng số nợ, cao nhất là 100%, kế tiếp là gần 99,9% và thấp nhất là 90,8%.
Cấp bách tái cấu trúc về tài chính doanh nghiệp, theo ông cần làm những nội dung gì?
Trước tiên, cần có sự tổng hợp chung về tình hình nợ của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, đánh giá về tình hình nợ và phân loại doanh nghiệp ở nhiều nhóm khác nhau. Đề nghị ngân hàng hợp tác với ngành cá tra trong xử lý nợ, phân tích và phân chia nhóm doanh nghiệp để có phương án tái cấu trúc, xây dựng phương thức cho vay đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên, tăng hiệu quả đồng vốn và phòng ngừa rủi ro.
Cụ thể xử lý nợ với từng nhóm doanh nghiệp như thế nào?
Phân chia thành ba nhóm doanh nghiệp. Thứ nhất là nhóm ổn định, gồm những doanh nghiệp có thị trường, năng lực quản trị tốt, khả năng chế biến tốt, vốn tương đối, ngân hàng hỗ trợ vốn cho nhóm này để lôi kéo cả ngành. Thứ hai là nhóm mắc nợ nhiều nhưng có khả năng phục hồi, đây là những doanh nghiệp yếu thị trường, năng lực quản trị kém thì phải dùng biện pháp sáp nhập. Nhóm cuối cùng gồm những doanh nghiệp rất xấu, đang thiếu vốn, ngưng hoạt động… cần thay đổi hoàn toàn.
Nhưng cũng có người cho rằng, cần tái cấu trúc về quản trị doanh nghiệp và xây dựng chuỗi sản phẩm?
Tái cấu trúc về tài chính doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu là cấp bách nhất. Còn tái cấu trúc về quản trị doanh nghiệp là việc phải làm, nó gắn với tái cấu trúc tài chính và cải thiện chuỗi. Về tái cấu trúc chuỗi liên kết ngành, đó là mục tiêu của trung hạn và dài hạn.
KHÓ TỪ DOANH NGHIỆP
Vừa nãy ông có nói, đề nghị ngành ngân hàng hợp tác với ngành cá tra để xử lý nợ, phải chăng chỉ doanh nghiệp không thể tái cơ cấu thành công?
Tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp là việc cấp bách trước tiên để nhằm mục tiêu tái cơ cấu ngành cá tra, công việc mất nhiều thời gian và chi phí, đòi hỏi sự phối hợp, hợp tác nhiều bên. Không một doanh nghiệp riêng lẻ nào thực hiện được. Chỉ riêng Hiệp hội Cá tra cũng không thể. Phải có sự tham gia của ngân hàng. Và cơ quan chỉ đạo như Ban Chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra nên kiêm thêm vai trò này trong một thời gian.
Nếu làm được những việc theo đề xuất của ông, bao giờ ngành cá tra có thể vượt qua khủng hoảng?
Sự kiệt quệ trong sản xuất do thua lỗ kéo dài khoảng 3 năm gần đây để lại hậu quả rất nặng nề, các hộ nuôi không còn mặn mà với cá tra khi gặp quá nhiều khó khăn trong sản xuất. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì các lợi thế do tài nguyên mang lại, do thời cơ thị trường, do kinh nghiệm đã cạn kiệt. Nếu tái cơ cấu thực hiện kiên quyết, đồng bộ, cải thiện được chất lượng sản phẩm, giữ được niềm tin khách hàng, gia tăng lợi ích của các chủ thể tham gia thì có thể ổn định trong hai năm 2014 và 2015, sau đó vào thời kỳ phát triển.
Quá trình tái cơ cấu, Nghị định 36 có vai trò như thế nào?
Nghị định 36 rất quan trọng, có giá trị về tăng cường thể chế và nguồn lực. Hơn bao giờ hết, ngành cá tra cần được quản lý và điều chỉnh ở tất cả các khâu, nhằm đảm bảo lợi ích cho người nuôi và doanh nghiệp. Nghị định 36 xác định cá tra là ngành kinh doanh có điều kiện, sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường, ngành cá tra phải phát triển theo cụm ngành và quản trị theo chuỗi. Nghị định bao quát đi từ cơ sở nuôi đến chế biến, xuất khẩu và người tiêu dùng thông qua quy định về chất lượng sản phẩm.
Trở lại vấn đề cấp bách hiện nay, theo ông là tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, có nhiều khó khăn nhưng ông thấy khó khăn nào lớn nhất?
Khó khăn từ doanh nghiệp. Đó là doanh nghiệp tự hài lòng, không thấy sự cần thiết phải thay đổi, trong khi bối cảnh hội nhập, bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi rất mạnh.
Xin cám ơn ông!
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]