Nông dân tỉnh Hậu Giang thu họach cá tra. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Dù có hay không có Luật Nông trại, ngành cá tra Việt Nam trong thời gian qua cũng gặp nhiều biến động lớn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Nông trại cũng là một động lực thúc đẩy để Việt Nam tái cơ cấu ngành cá tra và hướng đến liên kết chuỗi để phát triển bền vững.
Sở dĩ ngành cá tra Việt Nam có biến động như hiện nay là vì sự bất đồng trong khâu sản xuất và phân phối ra thị trường. Giữa người nuôi và doanh nghiệp thiếu sự liên kết chặt chẽ, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp chưa thống nhất giá bán ra thị trường. Vì vậy, có thể coi Luật Nông trại trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành cá tra Việt Nam.
Theo ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, dù Luật Nông trại chưa có các quy định của Luật để thực thi, nhưng xét theo yêu cầu sản phẩm của người Mỹ, nông dân Việt Nam và doanh nghiệp cũng đã sản xuất đúng kỹ thuật mà họ đưa ra, nguồn nước nuôi cũng được xử lý trước khi đưa vào ao thả cá, nguồn nước thải được xử lý sinh học trước khi thải ra môi trường.
Đồng thời, những kỹ thuật nuôi đạt yêu cầu này cũng được chứng nhận bằng các chứng chỉ chất lượng của Mỹ nên đây là điều kiện giúp cho ngành cá tra hướng tới tái cơ cấu, cả nông dân lẫn doanh nghiệp phải tham gia vào chuỗi liên kết.
Luật Nông trại trước tiên sẽ gây khó khăn cho việc phát triển sản lượng cá tra. Nhưng xét về lâu dài, khi định hình được chuỗi liên kết, nông dân sẽ yên tâm sản xuất, có đầu vào, đầu ra, giá cả ổn định, lợi nhuận được chia đều trong các khâu. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bắt tay nhau, chung lưng đấu cật chia sẻ nhau về thị trường.
Với hình thức này, Việt Nam sẽ quản lý được nguồn nguyên liệu cá tra cung cấp cho chế biến và xuất khẩu, ngành ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi giúp cả nông dân lẫn doanh nghiệp quay vòng vốn tốt cho sản xuất. Hiện tỉnh An Giang cũng đã xây dựng 3 đơn vị thí điểm chuỗi liên kết, ông Bình cho biết.
Cùng quan điểm, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Đồng Tháp cho rằng, nếu nước Mỹ đưa ra những quy định hợp lý thì khó khăn này trở thành điều kiện tốt cho ngành cá tra, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo bền vững và bảo vệ tốt môi trường, có trách nhiệm với xã hội, tuy nhiên để thực hiện được thì cần phải có lộ trình và thời gian.
Hiện nay, cá tra Việt Nam tuy được thế giới đánh giá cao nhưng xuất khẩu theo nhiều phân khúc, vì vậy chất lượng sản phẩm không đồng đều giữa các thị trường. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam siết chặt quản lý chất lượng. Như vậy, xét về lâu dài, khi Việt Nam muốn tham gia vào các thị trường khó tính thì phải nâng tiêu chuẩn sản xuất.
Theo cách quản lý chất lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), phía Mỹ sẽ thanh tra, giám sát nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, mã số cụ thể từ khâu giống, nuôi trồng, cung cấp cho nhà máy, chế biến và xuất khẩu.
Trong thời gian này, phía Mỹ sẽ soạn thảo ra các quy trình quy định tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến rõ ràng. Tuy nhiên, những điều kiện như vậy sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp cũng như hộ nuôi của Việt Nam. Nếu thực hiện được, ngành cá tra Việt Nam sẽ trở thành một ngành công nghiệp tiên tiến, đáp ứng được những quy chuẩn khá khắt khe của một quốc gia đòi hỏi cao về chất lượng thì cũng có thể đáp ứng được các thị trường khác trên thế giới.
Hơn nữa, theo quy định, giữa Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ có bản ghi nhớ thỏa thuận để tránh trùng lặp với nhau về quản lý để dự toán ngân sách cho Luật Nông trại.
Ngân sách năm 2014 đã được Tổng thống Mỹ ký ban hành nên nhanh nhất đến năm 2015 mới có thể áp dụng luật này đối với Việt Nam. Đó là chưa kể đến trường hợp, nếu chi phí cho Luật Nông trại quá cao và gây lãng phí thì các cơ quan liên quan của Mỹ sẽ không đưa luật vào thực hiện, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch, Tổng thư kí Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định.
Luật Nông trại Mỹ ban hành đã khiến không ít người quan tâm, trong đó phải kể đến phía luật sư của Mỹ. Cá tra là sản phẩm mang lại giá trị cho người dân Việt Nam cũng như cung cấp nguồn dinh dưỡng cao cho người dân Mỹ.
Hiện Luật Nông trại chưa có các quy định cụ thể để thực thi, vì vậy, muốn tìm tiếng nói chung giữa hai quốc gia, đặc biệt là tiếng nói chung giữa người dân Việt Nam và người dân Mỹ về con cá da trơn, thì các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải thông qua các đại diện như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nêu lên những ý kiến về điều kiện tự nhiên của hai quốc gia để tạo tác động vào quá trình đề ra những điều khoản quy định hướng dẫn của luật này.
Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cần có chiến lược hợp tác tốt với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối cá tra của Mỹ, Hiệp hội Thủy sản Mỹ đây là những đối tác có chung quyền lợi về cá tra Việt Nam đưa tiếng nói của mình tác động vào quá trình soạn thảo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Mỹ để khi được ban hành, những điều khoản này sẽ có lợi cho cá tra Việt Nam, ông Đỗ Thành Công, đại diện Văn phòng luật sư Russin & Vecchi Mỹ tại Việt Nam góp ý.
Trong trường hợp sau khi nêu ý kiến bất đồng về điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của hai quốc gia, mà Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn đưa ra điều khoản mang tính chất bảo hộ con cá nheo Mỹ và ngăn cản con cá tra Việt Nam đến với nước Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ý kiến.
Theo Hồng Nhung - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]