Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31, kết quả thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, đầu tư công đã phần nào khắc phục được tình trạng tràn lan, dàn trải do tính thiếu nhất quán. Mặc dù chưa thể hiện được tối đa vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế, song việc bố trí vốn đã tập trung hơn và ưu tiên phân bổ cho các lĩnh vực quan trọng như xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, phân bổ cho các dự án quan trọng, cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ …
Thứ nhất, việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2012 – 2014 đã tập trung hơn theo hướng giảm vốn đầu tư và tăng hiệu quả dự án. Năm 2014, tổng vốn đầu tư ngân sách trung ương đạt 62.431 tỷ đồng; giảm 3,3% so với năm 2013 và giảm 19,9% so với năm 2012.
Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn, số dự án năm sau nhỏ hơn năm trước (năm 2013 giảm 25,9%; năm 2014 giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước). Số vốn bố trí bình quân cho mỗi dự án theo kế hoạch năm sau cũng cao hơn năm trước: năm 2012 là 9,54 tỷ đồng/ dự án; năm 2013 là 10,68 tỷ đồng/ dự án và năm 2014 là 11,04 tỷ đồng/ dự án.
Trong đó, số dự án bố trí không đúng quy định năm 2014 cũng giảm xuống còn 44 trên tổng số 5657 dự án; chiếm 1,4% tổng vốn ngân sách (năm 2013 là 4,4%). Số vốn bố trí không đúng quy định đã được điều chuyển theo đúng trật tự ưu tiên: thu hồi vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng XDCB; điều chuyển cho các dự án cùng ngành, lĩnh vực, chương trình; điều chuyển cho các dự án thuộc ngành, lĩnh vực, chương trình khác …
Thứ hai, vốn trái phiếu chính phủ được phát hành để phục vụ cho các công trình, dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, quốc lộ … ngày càng phát huy hiệu quả. Tổng mức phát hành bổ sung vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 là 170 nghìn tỷ đồng, trong đó, các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là 61,68 nghìn tỷ đồng; các dự án công trình dở dang là 73,32 nghìn tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là 15 nghìn tỷ đồng; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng ODA là 20 nghìn tỷ đồng ...
Thứ ba, trong thời gian qua, công tác vận động các nhà tài trợ cung cấp ODA cho Việt Nam được thực hiện thông qua nhiều hoạt động đối ngoại của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành địa phương. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân giai đoạn 2011 đến tháng 6/2014 đạt xấp xỉ 16 tỷ USD, chiếm trên 76% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cam kết. Tính riêng 9 tháng năm 2014, tổng vốn giải ngân đạt 4,01 tỷ USD; tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013.
Về hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi, theo các báo cáo đánh giá chung các dự án đã hoàn thành trong khuôn khổ hội nghị đánh giá chung về tình hình thực hiện dự án giữa tổ công tác ODA của chính phủ và nhóm 6 ngân hàng phát triển thì “Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả, tỷ lệ thành công các dự án rất cao”.
Thứ tư, hoạt động đầu tư của khối doanh nghiệp trong thời gian qua nhìn chung đã đem lại hiệu quả và thể hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo cân đối ền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội. Nhiều doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực dệt may, da giày, xi măng, phân bón, thép … vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong nước, khả năng cạnh tranh tăng lên.
Thứ năm, về đầu tư theo hình thức đối tác công (PPP), hiện tại, Bộ KH và ĐT đã nhận được 349 đề xuất dự án của các Bộ, ngành, địa phương và đang tiến hành sàng lọc, lựa chọn những dự án có tính khả thi cao. Trong đó có 5 dự án đã được Thủ tướng chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục thực hiện và 2 dự án đang được xem xét để đưa vào danh mục này.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]