CPI tăng dần qua các tháng
Sáu tháng qua, nhóm hàng hóa có mức tăng giá cao nhất là giáo dục với tỷ lệ 11,35%. Đứng thứ hai là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,12%. Lĩnh vực bưu chính viễn thông giảm 0,48%. Tính riêng tháng 6-2014, CPI tăng 0,3% so với tháng 5. Trong đó, tăng mạnh nhất trong tháng là nhóm thuốc và dịch vụ y tế ở mức 0,74% so với tháng trước. Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt có mức tăng mạnh thứ 2, thêm 0,61%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,28%. Các nhóm hàng khác ổn định hoặc tăng giá nhẹ. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm nhẹ 0,13% so với tháng trước.
Mặc dù CPI 6 tháng đầu năm 2014 mới chỉ bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm đề ra, nhưng chỉ số này tăng giảm đúng theo quy luật. Cụ thể, sau khi tăng khá cao vào tháng 1 và 2 do đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, CPI đã giảm theo đúng quy luật vào tháng 3 và tăng dần trong các tháng 4, 5 và 6.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận xét, sức mua đang dần được cải thiện và cầu có khả năng thanh toán đã thực sự tăng. Điều này trái với một số ý kiến cho rằng, cầu đang rất thấp. Tuy nhiên, xu hướng cải thiện sức mua chưa rõ rệt. Thực tế thị trường cho thấy, sức mua một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn ổn định như năm 2013.
Hàng khuyến mãi vẫn hấp dẫn
Dự báo thời gian tới, việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, học phí và giá thực phẩm tăng trở lại do chi phí vận chuyển cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh… sẽ khiến CPI các tháng còn lại tiếp tục tăng. Tuy nhiên, sự tăng giá này không phải vì cầu đã tăng nên không loại trừ việc tăng giá sẽ tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu cầu tiêu dùng thật sự tăng thì đây là điều tốt. Nhưng diễn biến thị trường cho thấy, suy giảm kinh tế kéo dài khiến cho người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu. Các chương trình khuyến mãi được tổ chức thường xuyên nhưng lượng hàng tồn kho vẫn lớn. “Cơ quan quản lý cần chỉ ra, cầu tiêu dùng thay đổi bởi nhân tố nào? Khía cạnh nào?”- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh băn khoăn.
Báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường
Kantar Worldpane cũng chỉ ra, kinh tế suy giảm trong năm 2013 kéo dài đến thời điểm này đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng Việt Nam khiến nhiều người cân nhắc kỹ hơn trong việc mua sắm. Một hộ gia đình thành thị tiêu dùng trung bình đối với các sản phẩm có khuyến mãi tăng khoảng 38%, trong khi tiêu dùng trung bình cho sản phẩm không có khuyến mãi chỉ tăng ở mức 3%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại sự kiện Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, để đẩy mạnh cầu hàng hóa, cần các chính sách hỗ trợ như: khuyến khích đầu tư xã hội, chính sách miễn, giảm gia hạn, hoàn thuế…
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]