Chủ tịch Starbucks khu vực Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương Jeff Hansberry (phải) và người đồng sự Patricia Marques. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trao đổi phóng viên trong ngày khai trương chuỗi càphê Starbucks ở Hà Nội (23/7), bà Patricia Marques, Giám đốc Starbucks Việt Nam cho rằng, người dân Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng di chuyển từ quận này sang quận khác để uống càphê nhưng người Thủ đô lại có thói quen khác.
"Người Hà Nội thích tìm những không gian lân cận để thưởng thức càphê. Đó là thói quen của mỗi vùng và chúng tôi mở liền một lúc 3 quán càphê ở Hà Nội để tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng," đại diện Starbucks Việt Nam nói.
Tỏ ra hiểu biết về thói quen sinh hoạt của mỗi vùng, bà Patricia Marques nhận định, sự khác biệt giữa hai thành phố còn được phía Starbucks để ý như thói quen dùng đồ ngọt khác biệt trong đồ ăn, thức uống của người Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bởi vậy, theo bà, nguyên liệu chế biến cốc càphê của Starbucks vẫn không thay đổi nhưng công thức pha chế với mỗi thành phố chắc chắn sẽ được "may đo" để phù hợp với từng đối tượng.
"Chúng tôi không có ý định tạo ra sự thay đổi lớn mà muốn thích nghi với nhu cầu của người dân địa phương," Giám đốc Starbucks Việt Nam khẳng định.
Cũng theo bà Patricia Marques, để phù hợp hơn với sở thích của người Hà Nội nói riêng cũng như thị trường Việt Nam nói chung, phía Starbucks đã phải thu hẹp mô hình càphê "mang đi" (take away) vốn là "đặc sản" của chuỗi sản phẩm này ở Mỹ.
"Người Việt Nam thường muốn trò chuyện, giao lưu khi uống càphê nên chúng tôi tạo ra không gian để khách hàng tận hưởng," Giám đốc Starbucks Việt Nam cho hay.
Nói kỹ hơn về điều này, ông Jeff Hansberry, Chủ tịch Starbucks khu vực Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương tiết lộ, phía Starbucks sẽ tạo ra không gian riêng, gần gũi nhất với người dân địa phương. Điều này theo ông cũng đồng nghĩa mỗi cửa hàng của chuỗi đồ uống sẽ có những thiết kế khác biệt để khách hàng trải nghiệm.
Yếu tố "trải nghiệm" được lãnh đạo Starbucks nhắc lại nhiều lần trong đó ông Jeff Hansberry cho rằng, nhân viên pha chế là một phần vô cùng quan trọng.
Gọi những nhân viên này là "cộng sự," ông Jeff Hansberry cho hay, phía Starbucks đã tuyển chọn và đào tạo được 200 người cho chuỗi cửa hàng tại Việt Nam. Những cộng sự này theo ông, có thể pha chế hàng trăm hương vị đồ uống khác nhau theo từng gu của khách hàng và đó là lý do quan trọng để mang khách hàng trở lại nhiều lần với bạn bè, người thân.
"Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, mỗi khách hàng không chỉ uống một ly càphê mà còn mang tới cả một cộng đồng xung quanh họ nữa. Và mỗi nhân viên của Starbucks sẽ giữ vai trò như một đại sứ của sự thân thiện và cởi mở," ông Jeff Hansberry nêu quan điểm.
Bởi vậy, mặc dù không tiết lộ cụ thể doanh thu của Starbucks tại Việt Nam nhưng ông Jeff Hansberry vẫn tỏ ra lạc quan với thị trường theo ông là "nhiều tiềm năng."
"Chúng tôi vẫn đang tiến hành những bước đi thận trọng phù hợp với thị trường và quan trọng nhất là phía Starbucks cam kết sẽ tiếp tục phát triển lâu dài tại Việt Nam," lãnh đạo Starbucks nói./.
Starbucks là tập đoàn đồ uống Mỹ với hơn 20.000 cửa hàng bán lẻ tại 65 quốc gia trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Starbucks đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2/2013. Đây là sự kiện đã thu hút được giới trẻ của thành phố này khi ngay trong ngày khai trương, rất đông người đã xếp hàng để thưởng thức hương vị của nhãn càphê nổi tiếng này. Tới hiện tại, nhãn hiệu cà phê này đã có 8 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]