Tại hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” diễn ra ngày 28-10, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đã bùng phát cả nước.
Không chỉ thêm chất tạo nạc, tăng trọng vào thức ăn cho heo, gà, nhiều người vì lợi nhuận còn tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ, trộn chất vàng ô (hóa chất sử dụng trong thuốc nhuộm, có nguy cơ gây ung thư cao) vào trong thức ăn chăn nuôi để gia cầm ăn vào có màu da vàng bắt mắt. Hành vi này nên được coi như tội phạm buôn bán chất ma túy.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
. Phóng viên: Thưa ông, các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, xử phạt vi phạm dùng chất cấm trong chăn nuôi nhưng không ăn thua. Những thủ đoạn sử dụng chất cấm ngày càng tinh vi hay do năng lực cơ quan quản lý yếu kém?
+ Ông Nguyễn Xuân Dương: Trước đây nói đến chất cấm trong chăn nuôi thì chúng ta nghĩ ngay đến thức ăn. Tuy nhiên hiện nay chất cấm được một số doanh nghiệp (DN) dùng trong thuốc thú y, khoác áo thuốc trị bệnh nhưng lại chứa chất tạo nạc. Hoặc chất tạo nạc có thể nằm trong những loại thuốc bổ cho vật nuôi như thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng vi lượng. Thậm chí sử dụng trong những sản phẩm thức ăn không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc.
Cũng cần phải nói do hạn chế về kinh phí, nhân lực, phương tiện nên tần suất kiểm tra lấy mẫu của cơ quan chuyên môn còn thấp, tạo điều kiện cho các thương lái có nguồn heo ăn thuốc trốn thoát. Khi nghe tin hôm nay đang lấy mẫu ở cơ sở giết mổ này thì thương lái chở heo sang cơ sở giết mổ khác để né.
. Phải chăng việc xử phạt hành vi sử dụng, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi hiện nay còn quá nhẹ?
+ Đúng vậy, xử phạt vài chục triệu đồng đối với một cơ sở vi phạm thì không đáng gì so với lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm. Có những địa phương, cơ quan quản lý xử phạt chưa hết khung. Ví dụ đối với mức độ vi phạm đó cần phạt mức 80 triệu đồng nhưng vì nể nang nên chỉ phạt 15 triệu đồng.
Thời gian tới cơ quan chức năng sẽ bí mật kiểm tra thường xuyên, đột xuất. Nếu vi phạm thì DN, cơ sở không được xuất bán sản phẩm ra thị trường trong thời gian 3-6 tháng; sẽ bị bêu tên, địa chỉ lên phương tiện thông tin đại chúng. Các trại lớn vi phạm phải công bố toàn quốc. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ buộc đóng cửa từ sáu tháng đến một năm. Bộ cũng đang nghiên cứu đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm trên.
Hợp nhất cơ quan quản lý
. Thưa ông, hiện nay một miếng thịt có tới ba bộ quản lý nhưng xảy ra tình trạng tồn dư chất cấm thì không bộ nào đứng ra chịu trách nhiệm. Vậy phải tổ chức, sắp xếp lại khâu quản lý nhà nước của ngành chăn nuôi như thế nào?
+ Các bộ có những chức năng quản lý riêng biệt, không chồng chéo mà giúp tăng cường kiểm tra chặt các khâu từ sản xuất, chế biến, giết mổ đến bán ra thị trường. Sắp tới sẽ huy động tất cả lực lượng của ba bộ liên quan và cả Bộ Công an vào cuộc để thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xử phạt mạnh.
Thành công trong quản lý chăn nuôi - thú y của Thái Lan là bài học cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Do Thái Lan hợp nhất lĩnh vực chăn nuôi - thú y trong cùng một tổ chức nhà nước, đảm bảo tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và quản lý thống nhất, thông suốt những vấn đề có liên quan trong chăn nuôi, thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm từ trung ương đến địa phương. Chính vì thế mà hiệu quả và hiệu lực quản lý của Thái Lan khá tốt, pháp chế phù hợp, tổ chức thống nhất, kinh phí đủ, trách nhiệm rõ ràng và hành động quyết liệt. Còn tại Việt Nam, cơ cấu tổ chức riêng rẽ, cộng với phân cấp quản lý theo chiều ngang hiện nay đang thể hiện nhiều bất cập. Vì thế sắp tới Bộ cũng đang tiến hành tổ chức thống nhất Cục Chăn nuôi và Cục Thú y thành một.
. Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do. Nếu tiếp tục diễn ra tình trạng sử dụng chất cấm thì sản phẩm ngành chăn nuôi sẽ thua ngay trên sân nhà khi thịt ngoại tràn vào không chỉ giá rẻ mà tiêu chuẩn sạch. Theo ông, ngành chăn nuôi cần có thêm những giải pháp nào để loại bỏ chất cấm?
+ Có DN đề nghị bắt buộc các cơ sở giết mổ phải gắn camera theo dõi để ngăn chặn việc heo bị tiêm thuốc an thần. Quy định các cơ sở giết mổ phải có phương tiện làm xét nghiệm nhanh để định tính chất cấm trước khi đưa vào giết mổ. Đây cũng là giải pháp hay.
Đối với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào phải ghi rõ không chứa các chất cấm. Bên cạnh đó phải xây dựng mạng lưới thịt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP có sự tham gia của các DN chăn nuôi, nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà phân phối, nhà bán lẻ trên diện rộng.
Xây dựng mạng lưới thịt sạch Nhiều DN đưa ra giải pháp xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng thịt sạch tới người tiêu dùng. Như Công ty CP Việt Nam xây dựng mô hình chuỗi 3F (Feed-Farm-Food) để quản lý chất cấm trong sản xuất và kiểm soát thịt heo an toàn. Trong đó, “Feed” là thức ăn chăn nuôi, “Farm” là trang trại chăn nuôi và “Food” là heo thịt, thịt heo và các sản phẩm thực phẩm chế biến từ thịt heo bán ra thị trường. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, cho biết công ty sản xuất nguồn thịt sạch đạt chứng nhận VietGAP đến tay người tiêu dùng với mức giá ngang bằng giá thịt heo nuôi thông thường trên thị trường. Công ty tạo liên kết chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, giết mổ, đưa về sạp chợ lẻ đến tận tay người tiêu dùng mà không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào. Tiêu điểm Theo Chi cục Thú y TP.HCM, trong chín tháng đầu năm 2015, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP cho thấy 37/159 mẫu thịt heo (hơn 23%) tồn dư vượt mức kháng sinh Tetracycline, 26 mẫu (trên 16%) tồn dư vượt mức kháng sinh Sulfadimidin. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện gần 28% mẫu thịt gà ở TP.HCM chứa tồn dư kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi là Enrofloxacin và Flofenicol. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]