Người bán sâm không nói, người mua sâm cũng không hỏi, rốt cuộc mua nhân sâm mà không biết trong đó có thực là có chất “sâm” hay không!
Mù mờ thông tin
Lên mạng tìm thông tin cửa hàng bán sâm thì vô số trang web, cửa hàng rao bán sâm tươi, sâm khô. Chúng tôi đến một cửa hàng sâm trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM). Tại đây, nhân viên bán sâm cho xem một cái khay, trên có đặt bốn củ sâm tươi, giá 3,4 triệu đồng/kg loại bốn củ sâm/kg. Củ tươi căng, sờ mát lạnh nhưng chẳng biết có phải nhân sâm không, loại gì, xuất xứ ra sao, công ty nào trồng, đơn vị nào nhập khẩu. Hỏi nhân viên: “Không có bao bì, tem nhãn gì hết hả anh, vậy sao biết sâm này nhập khẩu từ Hàn Quốc? Mua về biếu trơ trơ vậy coi sao được!”. Anh nhân viên trấn an: “Nhập khẩu đây là nhập xách tay nên hàng không có giấy tờ nhập đâu, sâm tươi đều xách tay vậy chị ạ! Em lấy cho chị cái hộp bỏ vào là đẹp ngay!”.
Không an tâm chút nào về những cái củ tươi rói như... củ cải trắng bán ngoài chợ, tôi lại hỏi tiếp về các sản phẩm sâm đóng gói, đóng hộp. Có loại hồng sâm khô trong hộp thiếc, 300 g, giá 2,4 triệu đồng. Vỏ hộp ghi chữ Hàn, được dán thêm một nhãn phụ tiếng Việt ghi xuất xứ, tên công ty nhập khẩu, số giấy chứng nhận tiêu chuẩn nhưng không có thông tin về thành phần sâm trong sản phẩm. Phần thông tin định lượng (bằng tiếng Hàn kết hợp tiếng Anh) trên vỏ thiếc cũng chỉ ghi năng lượng, độ ẩm mà thôi.
Nhân sâm được cân ký bán tươi không khác bán củ cải.
Nhân viên bán hàng giới thiệu một loại sâm khô khác, 200 g đến 4 triệu đồng, giải thích rằng sâm khô này mắc tiền hơn vì đây là sâm núi mọc tự nhiên, còn sâm rẻ hơn là sâm trồng! Tuy nhiên, “sâm núi” khô đắt tiền này chỉ bọc trong một bao nylon trơn trong suốt, không có bao bì gì thêm bên ngoài, không rõ nhãn hiệu, đơn vị nhập khẩu, thành phần... Thật hoang mang khi không có một chữ nào về sản phẩm, không biết là cái que gì sấy khô đang nằm trong bao để bỏ hàng triệu đồng ra mua!
Một cửa hàng sâm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM) cũng bán đủ loại sâm. Ở đây có nhiều kiểu hộp sâm khô với đủ loại giá. Người bán giải thích hộp 150 g nhưng củ to, chỉ cần sáu củ đã nặng 150 g thì giá cũng khoảng 2,5 triệu đồng, bằng loại hộp 300 g mà chứa đến 40 củ nhỏ xíu. Tuy nhiên, dù với giá nào thì trên hộp cũng chỉ có vài thông tin sơ sài, không rõ hàm lượng “sâm” trong các củ to, củ nhỏ này ra sao, khác nhau thế nào!
Phải ghi rõ “chất”
Hiện vẫn có một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh củ sâm tươi, sâm khô, sản phẩm chế biến từ sâm... có đăng ký chất lượng cụ thể với Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm. Trong dữ liệu của Cục thì có khoảng 500 sản phẩm sâm được các DN đăng ký, chủ yếu là xuất xứ Hàn Quốc. Trong số này chỉ có khoảng 20% sản phẩm... có ghi rõ hàm lượng sâm (ginsenoside), ví dụ một sản phẩm sâm thái lát có hàm lượng ginsenoside là 4 mg/g đến 7,5 mg/g (0,4%, 0,75% trong sản phẩm) trong khi với sản phẩm cao sâm, tỉ lệ hàm lượng này giảm 10 lần, chỉ khoảng 0,4 mg/g (0,04%), với các loại nước sâm, trà sâm, sâm mật ong... thì giảm hơn nữa, có loại đăng ký với tỉ lệ ginsenoside là 0,1 mg/g (0,01%)...
Theo Luật An toàn thực phẩm thì thực phẩm phải được công bố hợp quy. Tuy nhiên, quy định hiện hành không yêu cầu các loại nhân sâm, sản phẩm từ nhân sâm phải công bố rõ hàm lượng sâm (ginsenosid) mà chỉ cần công bố các hàm lượng cơ bản. Trong khi đó người tiêu dùng rất quan tâm việc hàm lượng sâm trong sản phẩm như thế nào, liệu củ sâm có bị chiết tách hết phần “chất”, chỉ bán “xác sâm” cho người tiêu dùng hay không.
Mới đây, Bộ Y tế soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật cho sâm. Theo đó, DN, cá nhân nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm từ nhân sâm phải công bố hợp quy, đăng ký hợp quy với Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố. Người kinh doanh chỉ được phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán sau khi hoàn tất đăng ký hợp quy nói trên.
Theo dự thảo này thì sản phẩm từ nhân sâm phải có màu sắc, mùi, vị của thành phần nhân sâm (ginsenosid) đặc trưng và không có tạp chất ngoại lai; sản phẩm cũng phải đáp ứng chỉ tiêu về độ ẩm, tro, dung môi... Đặc biệt DN phải công bố rõ định lượng ginsenosid - nhân sâm trong sản phẩm, hàm lượng này không có định mức bắt buộc.
Giấy chứng nhận: Tra cứu mới tá hỏa
Một số cửa hàng bán sâm giới thiệu mình có giấy chứng nhận chất lượng của Bộ Y tế. Dựa trên các hình ảnh quảng cáo này, chúng tôi tra cứu sản phẩm bằng trang web của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) mới tá hỏa khi kết quả tra cứu hoặc không có hay có thì lại không khớp gì với các giấy được quảng cáo.
Cụ thể, một trang web quảng cáo bán nhân sâm đưa hình giấy chứng nhận có số 53xx/2012/... cho sản phẩm củ hồng sâm Hàn Quốc nhưng tra cứu trên hệ thống thì số giấy chứng nhận này cấp cho một loại phụ gia thực phẩm xuất xứ Đức.
Trong một cửa hàng bán sâm có bày hộp sâm khô, dán nhãn phụ tiếng Việt quảng cáo rằng sản phẩm này có giấy chứng nhận chất lượng số xx799/... nhưng tra cứu trên hệ thống thì không có giấy phép mang số trên.
Người tiêu dùng có thể sử dụng công cụ tra cứu tại website của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm để tra cứu giấy chứng nhận: http://tracuusanpham.vfa.gov.vn.
Các loại sản phẩm sâm
- Nhân sâm là rễ (củ và rễ nhánh) của cây nhân sâm.
- Nhân sâm khô: Củ, rễ nhánh, bột, thái lát.
- Chiết xuất từ nhân sâm: Dịch sâm, bột sâm.
(Theo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật cho sâm)
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]