Thẻ học nghề xếp xó
Cựu quân nhân Nguyễn Văn Ly (Thanh Trì, Hà Nội) ra quân đã được 3 năm. Ngày ra quân, anh được tặng 13 triệu tiền mặt cùng với thẻ học nghề trị giá bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu (thời điểm đó tương đương gần 12 triệu đồng). Ngành mà Ly đăng ký theo học là lái xe, nhưng vì gia đình vốn đã có nghề làm váy cưới từ trước nên Ly quyết định về quê cưới vợ và tiếp quản cơ nghiệp của bố mẹ. Kể từ đó tới giờ, tấm thẻ học nghề của Ly vẫn nằm xếp xó trong ngăn tủ.
Dạy nghề cơ điện cho QNXN tại Trường Trung cấp nghề số 11.
Hay như anh Nguyễn Văn Nam (xã Hiệp Hoá, Kinh Môn, Hải Dương) sau xuất ngũ, thấy việc học hành quá tốn kém lại không sắp xếp được thời gian nên cũng đành cất thẻ học nghề. Nam xin đi làm công nhân chế biến rác thải nylon cho một doanh nghiệp tại Hải Dương, lương tháng khoảng 4 - 4,5 triệu đồng.
Nhiều quân nhân “tiếc của” nên sau khi ra quân cũng cố gắng đi học nghề, nhưng sau đó là thất nghiệp. Anh Hồng Văn Thành (sinh năm 1991 tại Bắc Giang) cho biết: “Lúc chuẩn bị ra quân, tôi cũng có thấy đơn vị và một số trường dạy nghề qua tư vấn mời gọi đi học. Dù được tư vấn nhưng ngành học chủ yếu là ngành điện, lái xe, cơ khí… trong khi tôi thích nghề thiết kế thời trang. Không có nghề đó, tôi đành chọn học nghề lái xe”.
Tháng 8.2010, Thành ra quân và đi học nghề lái xe, tới năm 2012 thì kết thúc khoá học nghề nhưng tới nay anh vẫn chưa thể tìm kiếm được công việc phù hợp, đành ở nhà trồng rau, nuôi gà với bố mẹ. Thành cho biết thêm, cả đơn vị Thành có khoảng 50 người thì chỉ có khoảng 1/3 trong số đó đi học nghề.
Hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng từ 80.000-90.000 QNXN, theo kế hoạch, năm 2010 đào tạo khoảng 30.000 người; năm 2011 là 34.000 người và năm 2012 là 42.500 người. Tuy nhiên, tỷ lệ đào tạo tính theo tỉnh có nơi rất thấp, như Hà Tĩnh chỉ đạt khoảng 7% tổng số QNXN.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu - Giám đốc Trung tâm Tư vấn học nghề Trường Trung cấp Dạy nghề số 11 (Bộ Quốc phòng) cho hay: Hiện nay, việc tuyển dụng học sinh học nghề rất vất vả. Thông thường, một năm các trường phải đi tuyển sinh ở tất cả các vùng miền (vào đợt bộ đội xuất ngũ) 2 lần. Tuy nhiên, con số học sinh tham gia học nghề theo thẻ học nghề cũng rất hạn chế.
Ông Lê Minh Anh – Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận: Thời gian đào tạo nghề dài từ 18- 38 tháng cũng là cản trở khiến nhiều quân nhân ngại tham gia các khoá học. Nhiều quân nhân chưa học xong THCS nên học nghề thì phải học thêm 1 năm văn hoá, vì thế thời gian theo học có thể lên tới 3 năm. Mặt khác, dù đã được miễn tiền học phí nhưng các em cũng phải chi trả tiền ăn ở, đi lại, lên tới khoảng 20-30 triệu đồng/khóa học. Nhiều quân nhân gia đình khó khăn nên đành bỏ cuộc.
Rao bán thẻ học nghề
Không có nhu cầu học, một số QNXN còn rao bán thẻ học nghề. Trong vai một người cần mua thẻ học nghề, PV NTNN lần tìm trên các trang mạng, đâu đâu cũng có những thông tin rao bán thẻ và mua thẻ. Tại nhiều trang mạng như bmt7.vn một người tự xưng là H ở số điện thoại 0947xxx, quê Buôn Ma Thuột cũng tự rao bán thẻ học nghề với giá 2,5 triệu đồng. Khi bày tỏ mong muốn muốn lấy với số lượng lớn, H đồng ý và nói nếu mua với số lượng càng nhiều thì giá càng rẻ. Giá cả dao động từ 1,5-2 triệu một chiếc.
Theo Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), sau 4 năm thực hiện Quyết định 121, chương trình đã huy động được sự tham gia của khoảng 21 cơ sở dạy nghề trong quân đội và hàng chục cơ sở công lập khác, trong đó, các cơ sở đào tạo nghề trong quân đội chiếm khoảng 60-70%.
Trên địa bàn Hà Nội, PV NTNN tìm đến Đ.X.T – một sĩ quan chuyên nghiệp, quản lý quân nhân của một trường sĩ quan trên địa bàn Hà Nội. T cho hay, anh có thể thu gom thẻ với số lượng lớn và bán với giá từ 2-3 triệu đồng (chỉ có thẻ, không bao gồm hồ sơ).
Gọi điện cho một số quân nhân vừa xuất ngũ, nhiều người trong số họ cũng không thiết tha gì với thẻ học nghề và sẵn sàng bán. Quân nhân V.B (Yên Định, Thanh Hóa) còn cho hay, tại nơi anh đóng quân, các quán xá cũng đồng ý cho quân nhân “cắm” thẻ để mua hàng.
Khi nghe thông tin về rao bán thẻ học nghề, ông Lê Minh Anh cho biết: “Không rõ các quân nhân bán cho ai vì thanh toán thẻ học nghề là theo hình thức thực thanh thực chi. Chỉ khi dạy xong, có đủ hồ sơ, chứng từ, học bạ đơn vị đào tạo mới được quyết toán. Riêng đối với một số đơn vị ngoài hệ thống Bộ Quốc phòng thì việc thanh toán sẽ khó khăn hơn vì phải đi đường vòng. Đơn vị đào tạo phải gửi hồ sơ qua tỉnh đội, tỉnh đội gửi lên Quân khu, Quân khu gửi qua Bộ Quốc phòng. Phải kết thúc khóa học thì họ mới được thanh toán tiền”.
Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi phải có người mua mới có người rao bán, ông Minh Anh bày tỏ: “Đúng là tôi có nghe ở trường này trường kia có hiện tượng đó. Trong trường hợp, học viên học được nửa kỳ thì nghỉ, đơn vị chỉ được thanh toán 1/2 chi phí khoá học. Muốn vậy phải căn cứ hồ sơ và quyết định tạm dừng học. Tuy nhiên, đây có thể là kẽ hở khiến một số cơ sở đào tạo trục lợi”.
Theo Minh Nguyệt - Dân Việt
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]