Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), vừa cho biết từ cuối tháng 9, khi cà chua Lâm Đồng có dấu hiệu rớt giá mạnh, Saigon Co.op đã tổ chức thu mua để tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước, đại siêu thị Co.opXtra ở quận Thủ Đức, cùng chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại TP.HCM. Giá mua đầu vào dao động quanh mức 6.000 đồng/kg, giá bán ra tại siêu thị ở mức 6.900 đồng/kg. Giá mua này cao hơn nhiều so với thương lái và giá bán ra thấp hơn giá thị trường chung.
Ông Nhân ước tính lượng tiêu thụ trung bình trên toàn hệ thống của Saigon Co.op khoảng 12 tấn cà chua mỗi ngày. Cao điểm cuối tuần đạt 16 tấn/ngày. Đến thời điểm này, tổng lượng cà chua đã tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt hơn 300 tấn. Theo ông Nhân, con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Hoạt động bán cà chua của một nhóm bạn trẻ Sài Gòn.
Lý giải về việc giá thu mua cà chua tại vườn của Saigon Co.op cao hơn thương lái, ông Nguyễn Thành Nhân, cho biết: “Động thái của Saigon Co.op là muốn hỗ trợ người trồng có thể thu hồi vốn, tái sản xuất, từ đó ổn định nguồn cung cho thị trường. Việc này cũng giúp người nông dân không bị thương lái và các đơn vị thu mua khác ép bán dưới giá vốn. Người trồng buộc phải bán đổ bán tháo để cắt lỗ nhưng không thể thu hồi lại vốn nên sau đó không thể tái canh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà chua ngay mùa sau”.
Cũng theo ông Nhân, hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước chỉ bán cà chua Đà Lạt, hoàn toàn không bán cà chua Trung Quốc. Giá bán cũng thấp hơn giá thị trường nên người tiêu khi mua cà chua bên trong siêu thị có thể yên tâm về chất lượng và giá cả. Cà chua Đà Lạt cũng được Saigon Co.op đưa ra tận thị trường các tỉnh miền Trung, miền Bắc để tiêu thụ thông qua siêu thị Co.opmart tại hai khu vực này. Việc này vừa giúp người trồng tiêu thụ sản phẩm ở đầu ra, vừa giúp người dùng mua được nông sản sạch, hạn chế hàng Trung Quốc.
Mới đây, PV cũng đã phản ánh về việc một nhóm bạn trẻ Sài Gòn đã thu mua cà chua ở Lâm Đồng với giá cao hơn giá của thương lái, sau đó vận chuyển về TP.HCM bán lẻ lại cho người dân với giá 8.000 đồng/kg. Mục đích việc làm này là để hỗ trợ người nông dân Lâm Đồng đang gặp khó khăn do cà chua được mùa, mất giá, đồng thời bị cà chua Trung Quốc cạnh tranh gay gắt.
Sau khi thông tin được đăng tải, nhiều độc giả là cá nhân, tổ chức đã liên hệ với PV về việc muốn tham gia cùng nhóm bán cà chua Sài Gòn để ủng hộ người nông dân Lâm Đồng. Có người còn ngỏ ý mua nhiều tấn cà chua để đi phân phát, làm từ thiện.
Liên kết để sản xuất
Liên quan đến việc người nông dân thường rơi vào cảnh được mùa, mất giá, ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng việc sản xuất của bà con nông dân cần có liên kết và cần có kế hoạch chứ không thể tự phát như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa như dưa hấu, bầu bí, rau màu như vừa rồi. Việc liên kết tốt sẽ tạo lợi thế 3 bên chứ không riêng gì có lợi cho người trồng.
Cụ thể, người trồng sẽ chủ động lên kế hoạch trồng trọt hợp lý nên tiết kiệm chi phí và hầu như được bao tiêu đầu ra dẫn đến sản phẩm chất lượng cao và giá hợp lý. Nhà phân phối thì chủ động về nguồn hàng, không mất chi phí tìm kiếm khai thác các vùng nguyên liệu ngoài kế hoạch và yên tâm về chất lượng, sản lượng, giá cả của sản phẩm. Người tiêu dùng thì mua được sản phẩm xuất xứ rõ ràng, chất lượng và giá cả được kiểm soát.
Chính việc liên kết hợp lý sẽ không làm thị trường bị lũng đoạn bởi thương lái và nếu bị ảnh hưởng thời tiết hay các yếu tố khách quan khác thì cũng chủ động điều chỉnh một cách hệ thống, hạn chế tối đa biến động giá và chủ động điều tiết thị trường.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]