Nhân viên chuyển gạo tại nhà kho của Cơ quan lương thực quốc gia ở ngoại ô thủ đô Manila ngày 7/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo ông Francis Pangilinan, cố vấn của Tổng thống Phillipines Benigno Aquino về an ninh lương thực, nước này dự định nhập 1,7 triệu tấn gạo trong năm nay.
Cũng theo ông Pangilinan, con số này có thể sẽ cao hơn trong năm tới.
Năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Philippines nhập khẩu một triệu tấn gạo và trở thành nhà nhập khẩu nhiều thứ tám trên thế giới. Trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, Philippines đã nhập khẩu kỷ lục 2,34 triệu tấn gạo và là số lượng lớn nhất đối với bất kỳ quốc gia nào cho đến nay.
Theo ông Pangilinan, thời tiết khắc nghiệt, bao gồm bão và lũ lụt thường xuyên, đã cản trở nỗ lực sản xuất thóc gạo của Phillipines. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung của nước này bị suy giảm vào cuối năm 2013, buộc chính phủ phải nhập khẩu nhiều gạo hơn.
Tình hình này đã tái diễn trong năm nay khiến giá gạo tăng vọt 20% trong thời gian từ giữa tháng Sáu tới đầu tháng 10, buộc Chính phủ Phillipines phải trợ cấp gạo để bình ổn giá.
Ông Pangilinan cho biết khoảng 26% gạo hiện nay trên thị trường nội địa của Phillipines là do nhà nước trợ giá, và mục tiêu tự cung cấp gạo vẫn là một mục tiêu quan trọng đối với Manila.
Ông Pangilinan cho biết trở ngại lớn nhất đối với nước này trong kế hoạch tự cung cấp gạo là mức chi phí và mốc thời gian thực hiện.
Tuy nhiên, vị cố vấn chính phủ nhận định rằng nếu Phillipines có các giống lúa năng suất cao, kết hợp với mở rộng hệ thống thủy lợi, máy móc cơ giới, cơ chế và các dịch vụ hỗ trợ khác thì nước này sẽ sớm đạt mục tiêu tự sản xuất đủ gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Khi đó, mục tiêu thu hẹp khoảng cách 10% giữa sản lượng và nhu cầu tiêu dùng không phải điều quá khó đối với Phillipines./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]