Ảnh minh họa
Theo ông Cương, việc Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị lùi thực hiện Nghị định đến 1/7/2015 là một trong những việc bảo vệ hình thức kinh doanh chộp giật, không lành mạnh.
Bán cá mà không phải cá
Thưa ông, là chuyên gia về lĩnh vực thủy sản, ông đánh giá thế nào về Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra?
Nhìn một cách tổng thể thì Nghị định 36 là tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, và đây là điều rất cần thiết. Tôi lấy ví dụ, bán cá mà không phải cá, mà là nước bên trong thì chỉ làm lợi cho một vài kẻ làm ăn xấu, chứ không có lợi ích của các DN làm ăn đứng đắn và lợi ích của quốc gia trong này. Nghị định 36 điều chỉnh cái đó.
Hơn nữa, Nghị định 36 điều chỉnh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tức là bán phá giá. Trong một phiên chợ quốc tế mà những người bán hàng chỉ là người Việt Nam và người mua hàng là các đối tác trên thế giới. Đầu tiên chúng ta bán 3,5 USD/kg cá tra phi lê, cuối phiên còn 2,3 USD/kg. Đương nhiên, cuối cùng đối tác nước ngoài sẽ hủy hợp đồng 3,5 USD và thay vào đó là ký hợp đồng 2,3 USD.
“Chúng ta cứ nói rộng hơn một chút, DN làm ăn không chân chính, lừa đảo người tiêu dùng, nhân dân để trục lợi, thì chúng ta phải bắt bằng được DN kia, chứ loại bỏ cả cộng đồng DN thì không ổn, lấy ai để phát triển kinh tế? Như vậy, rõ ràng chúng ta phải có sự quản lý của Nhà nước để làm việc này. Và không thể loại bỏ vai trò của Nhà nước. Trong câu chuyện quản lý cá tra, Nghị định 36 ra đời nhằm loại bỏ những cái không cần thiết và đưa trật tự sản xuất vào nề nếp”, ông Nguyễn Tử Cương.
Như vậy, đối tượng chịu thiệt phải là người sản xuất đầu tiên. Người tiêu dùng các nước, thoạt đầu tưởng có lợi, nhưng hóa ra, họ mua nhầm, và cái nhầm ở đây là gì? Là họ mua nước thay vì mua cá. Đáng lẽ họ mua 1kg cá, thì chỉ có 0,6kg là cá thật, còn lại 0,4kg là nước.
Một tiến bộ nữa của Nghị định 36, đó là dự báo và phòng ngừa được tình trạng thừa - thiếu nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ. Tại sao nguyên liệu cá tra trong nước thường xuyên thừa? vì anh không biết nghiên cứu quy luật thị trường. Anh không biết là tháng nào ở nước ngoài người ta ăn cá tra nhiều, lúc nào người ta ăn ít, hoặc không ăn.
Khi có Nghị định 36, tức là có được biểu đồ nhu cầu của từng thị trường, thì đối chiếu vào đó mới có thể định ra chu kỳ sản xuất.
Tôi ví dụ thế này: Vào tháng 11 chẳng hạn, là tháng châu Mỹ ăn cá tra nhiều nhất, thì chúng ta phải xuống giống 6 tháng trước đó. Còn tháng nào mà người ta ăn ít thì ngược lại 6 tháng trước anh thả ít đi. Tránh trường hợp thừa thì bán đổ đi, mà lúc thiếu không có mà bán, hoặc có cũng tranh nhau bán phá giá…
Nghị định 36 bắt buộc anh phải thiết lập một đánh giá cung cầu của thị trường, sau đó đưa ra một dự báo sớm, mà dự báo sớm ít nhất 6 tháng để bên này tôi làm quy hoạch. Anh thả cá xuống lúc nào là quyền của anh, nhưng là cơ quan quản lý Nhà nước tôi có quyền cho anh lời khuyên, và hơn nữa là đất này tôi quy hoạch rồi, anh đào để nuôi cá tra là tôi không ủng hộ anh. Tôi cấm anh được.
Tất cả những việc này Nghị định 36 điều chỉnh. Tôi cho là rất tốt.
Theo ông nói thì rõ ràng Nghị định 36 là công cụ để đưa việc nuôi, chế biến và XK cá tra vào nề nếp, có lợi cho người sản xuất và XK. Vậy tại sao VASEP lại đề nghị lùi thời gian thực hiện Nghị định và phản đối một số quy định trong Nghị định này?
Theo tôi, lâu nay người ta tự do quen rồi, không ai quản lý, nên ngành cá tra bao năm qua, tuy là thế mạnh của đất nước, nhưng có phát triển được đâu. Quan niệm của DN làm ăn chộp giật là: Chết thì chết cả đất nước, chết cả một ngành, chứ từng anh làm gian dối không chết, nên người ta phản đối.
Ngoài ra, cái “lệ” của VASEP là, khi có một chính sách mới chẳng lẽ lại không phản đối gì? Tôi ví dụ Thông tư 48 ban hành ra, gần như buông hết quyền quản lý của Nhà nước về mặt chất lượng. Thế mà VASEP vẫn phản đối được thì thật không thể hiểu nổi.
Tung tin đồn thừa nguyên liệu là “chiêu” DN thường làm
Trong Nghị định 36 có một quy định quan trọng là kiểm soát giá sàn cá tra. Tuy nhiên, quy định này bị VASEP phản đối mạnh nhất? Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Hiện chúng ta chưa có luật chống bán phá giá. Như tôi nói ở trên, chỉ riêng về phần XK, nếu không quy định cặn kẽ, thì rõ ràng mạnh ông nào ông ấy bán, bất cứ giá nào. Và để bán với giá thấp, thì đương nhiên DN sẽ phải đưa tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong cá tra cao lên nhằm làm giảm giá thành.
Cụ thể nó thế này: Để đưa được trọng lượng từ 0,6kg cá lên 1kg phi lê, DN tìm cách bơm nước vào cá, rồi đưa hỗn hợp Ditri pôly Phốt phát với nước vào làm mạ băng. Chất phụ gia này bình thường người ta chỉ sử dụng cho làm thịt bò khô hoặc xúc xích theo tỷ lệ cho phép. Các DN chế biến đã lợi dụng chất này để đưa vào tôm, mực và giờ là cá tra.
Thời tôi làm Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thủy sản (Bộ Thủy sản cũ), tôi qua Hải quan hỏi thì chỉ trong một thời điểm người ta nhập 31 máy bơm loại này, cứ 1 đoạn lại cắm mười mấy cái kim xuống thân con cá tra để bơm nước vào.
Nếu chúng ta có luật chống bán phá giá thì sẽ điều chỉnh được tình trạng này. Việc quy định kiểm soát giá cá tra cũng là một hình thức gần giống luật chống bán phá giá. Dựa vào quy định này mới có thể “trị” được những DN làm ăn gian dối.
Nhưng họ (những DN làm ăn gian dối, chộp giật) vẫn luôn có những chiêu khác để tối đa hóa lợi nhuận, làm hại người sản xuất và tiêu dùng, thưa ông?
Tôi biết họ có rất nhiều “chiêu”. Đơn giản thế này: Thị trường cá tra thế giới vẫn mua bán bình thường, nhưng một số DN tung tin đồn là thị trường thế giới không bán được. Cá nguyên liệu trong nước lập tức xuống giá. Lúc đó họ dồn tiền mua cá cho vào kho lạnh.
Nhiều DN khác không tỉnh táo sẽ lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Khi đó họ bốc cá trong kho ra bán lại, không chế biến cũng đủ lãi to.
Tất nhiên trong kinh doanh thì người ta phải có thủ đoạn, chiêu trò, nhưng việc tung tin đồn nhảm là Nhà nước cấm thì DN vẫn làm. Những chuyện ấy phải đi sâu trong ngành thủy sản mới nắm được. Do đó, cần có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 36 càng nhanh càng tốt.
Phải có bàn tay Nhà nước
Theo ông, Nghị định 36 còn có điểm nào chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Và phải điều chỉnh thế nào?
Thực ra, việc VASEP đề nghị là lùi thời hạn này đến 1/7/2015, phản đối tỷ lệ mạ băng 10% và độ ẩm 83%, phản đối kiểm soát giá sàn là phản đối hoàn toàn những quy định của Nghị định 36. Việc này có thể làm tụt hậu ngành nuôi cá tra của Việt Nam.
Do đó, cần có bàn tay của Nhà nước trong việc quản lý nuôi, chế biến và XK cá tra.
Tuy nhiên, có một điểm mà tôi lo, đó là kiểm soát giá sàn giao cho hiệp hội. Các nước khác cũng làm. Nước Pháp chẳng hạn, một chai rượu vang Boóc-đô có cấp giấy chứng nhận xuất xứ giá cao hơn 1,5 USD so với không có giấy, và hiệp hội rượu vang Pháp thu về 20 cent cho một chai như thế. Nhưng để kiểm soát việc này phải có một tổ chức chặt chẽ, trong tổ chức ấy có một nhân viên nhà nước.
Trở lại câu chuyện giá sàn cá tra, phải có bàn tay của liên bộ NN-PTNT và Tài chính. Sẽ là “mổ bò”, sẽ là cãi nhau giữa các DN, người sản xuất vì mức giá khó có thể quy định chi tiết, vì nó phụ thuộc vào thời điểm, chi phí đầu vào…
Cho nên cuối cùng phải có một người thực sự “cứng tay” thì mới có thể đưa ra được một cái giá chuẩn. Nếu đưa ra giá cao, DN thiệt, còn giá thấp thì nông dân thiệt. Do đó, phải là người thực giỏi về chuyên môn và có bản lĩnh mới làm được.
Xin cảm ơn ông!
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]