Các chuyên gia xăng dầu cho rằng lợi nhuận của Petrolimex có được nhờ cơ chế điều hành giá xăng dầu còn quá nhiều ưu ái cho "ông lớn" này. Nhiều thời điểm giá thế giới giảm mạnh nhưng Petrolimex vẫn được trích quỹ bình ổn.
Tăng giá xăng dầu so với thế giới là vô lý
Từ đầu năm 2013, Petrolimex đã có 4 lần tăng giá xăng với tổng mức 2.640 đồng/lít. Lợi nhuận của Petrolimex này đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, bởi từ trước tới nay, tập đoàn này đã liên tục có điệp khúc kêu lỗ để tăng giá xăng dầu.
Theo đó, chỉ riêng quý 3/2013, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt tới hơn 637,53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 44,21 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, Petrolimex là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, có hệ thống khách hàng ổn định. Do đó từ trước tới nay lợi nhuận mà Petrolimex mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, cách đây chưa đầy 1 năm, Petroliex vẫn kêu lỗ để tăng giá bù lỗ?!
Là một chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, anh Phan Thanh Đồng cho hay: Khi giá xăng dầu tăng khiến rất nhiều người phản đối, nhưng khi phía Petrolimex giải thích vì phải tăng giá để bù lỗ hoặc giá xăng dầu thế giới tăng. Một vài hình ảnh trên VTV1 nêu rõ việc buôn bán xăng dầu lậu qua biên giới Việt Nam và Campuchia. Cùng nằm trong khu vực châu Á, tại sao giá xăng dầu ở Việt Nam lại rẻ hơn so với nước bạn? Điều đó đồng nghĩa với việc xăng dầu Việt Nam cần phải tăng giá.
Lý giải như vậy nên người dân sẵn sàng chia sẻ với Petrolimex. Tuy nhiên chỉ 1 năm sau Petrolimex báo cáo tài chính là lãi lớn, điều này là mâu thuẫn với thông báo của chính đơn vị này trước đây (kêu lỗ). Cũng theo anh Đồng, Petrolimex lãi lớn một phần do được hưởng nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước, trong đó có quỹ bình ổn.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thanh Lâm, một cử nhân kinh tế cho hay, quỹ bình ổn là tiền của xã hội, việc Petrolimex được trích quỹ bình ổn, đó là một điều không công bằng trong kinh doanh. Có thể nói là Petrolimex không chia sẻ lợi ích vì mục tiêu xã hội mà chỉ phục vụ cho doanh nghiệp của mình, phục vụ cộng đồng là không có.
Ông Lâm lý giải: "Do Petrolimex đã có sự điều chỉnh từ phía Nhà nước, được hưởng nhiều ưu đãi, thì giá xăng dầu phải là giá nội địa, không liên quan tới giá của thế giới. Trong khi Petrolimex được hưởng nhiều ưu đãi như đã phân tích ở trên, nhưng giá cả vẫn biến động theo giá thế giới. Điều này theo tôi là bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp".
Điều cần bàn là khi muốn tăng giá, Petrolimex thường báo lỗ. Mức lỗ này đúng hay sai rất khó nhận biết trong khi cơ quan quản lý chỉ dựa vào báo cáo của Petrolimex để phê duyệt nên càng khiến dư luận thấy việc kinh doanh xăng dầu không minh bạch.
Mặt khác, có dấu hiệu "tiền hậu bất nhất" của Petrolimex trong việc công bố lỗ, lãi. Vì khi muốn tăng giá, Petrolimex thông báo lỗ. Nhưng khi muốn có lợi cho cổ phiếu, họ lại báo lãi. Rõ ràng có dấu hiệu cho thấy, cơ quan quản lý chưa đủ năng lực để thẩm định chuyện lỗ lãi của Petrolimex. "Trong việc này có hai khả năng xảy ra. Một là có thể doanh nghiệp và cơ quan quản lý "bắt tay" với nhau. Hai là cơ quan quản lý bất lực vì năng lực hạn chế", ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, khi Petrolimex có chính sách giá riêng, có quỹ bình ổn thì giá xăng dầu sẽ không phụ thuộc vào giá xăng dầu của thế giới. Thế nhưng, trước kia Petrolimex vẫn kêu ra rả phải tăng giá xăng dầu vì giá xăng dầu thế giới tăng và phải tăng giá vì Petrolimex lỗ lớn, nên tăng để bù lỗ. Điều này là không minh bạch.
Petrolimex có mức lãi suất luỹ tiến
Quay trở lại việc Petrolimex có mức lãi khủng như đã đề cập ở trên, chuyên gia xăng dầu Lê Thị Mai cho rằng, mặt hàng xăng dầu trong diện bình ổn giá bởi nó có tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá cả hàng hoá thiết yếu. Lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi quý là rất lớn.
Điều này đặc biệt mâu thuẫn khi xét trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước có những thời điểm tăng liên tục, tăng đến chóng mặt. Cụ thể từ 12/2012 đến 8/2013, giá xăng A92 tăng tới 4 lần. Đây là điều cần phải xem xét lại.
Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chiến lược, có sức tiêu thụ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Do đó từ trước tới nay, Petrolimex đã rất lãi, nhưng vẫn kêu lỗ để tăng giá và để được nhận hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Cũng theo báo cáo của Petrolimex, việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lãi hàng trăm tỷ đồng, trong khi người tiêu dùng vẫn phải chi thêm hơn 1.100 đồng/lít xăng chỉ sau chưa đầy 1 năm khiến dư luận có cơ sở để đặt câu hỏi, Petrolimex lãi lớn từ đâu? Phải chăng do chiếm thị phần khuynh đảo nên Petrolimex không nghĩ đến mục đích phục vụ cộng đồng?
Cũng theo bà Mai, cuối tháng 3/2013, Bộ Tài chính duy trì phương án cho doanh nghiệp đầu mối được sử dụng 2.000/lít xăng dầu từ quỹ bình ổn giá để bù đắp phần lỗ do giá thế giới tăng cao, nhưng giá trong nước được giữ nguyên nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù giá thế giới đã giảm lại. Vì thế, doanh nghiệp có lời cả ngàn đồng mỗi lít xăng dầu nhờ quỹ bình ổn.
"Từ sự việc cụ thể nêu trên, cần đặt ra việc phải kiểm soát quỹ bình ổn giá một cách chặt chẽ để quỹ bình ổn giá thật sự dùng vào việc bình ổn giá, có như vậy mới thực sự ổn giá vì dân", bà Mai chia sẻ.
Một cán bộ của Bộ Công Thương (xin được giấu tên) cho biết sở dĩ Petrolimex có lãi khủng là do đơn vị này chiếm thị phần lớn nhất, có lượng khách hàng ổn định và điều này càng chứng minh rằng thực tế, Petrolimex chưa bao giờ lỗ!
“Tăng giá là vi phạm pháp luật”
Theo doanh nhân Nguyễn Thị Hường: Bình ổn giá là việc Nhà nước hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp với lãi suất là 0% để bình ổn những mặt hàng thiết yếu, khi có biến động về giá cả thì không được phép tăng giá. Doanh nghiệp nào tăng giá là vi phạm pháp luật về giá.
Theo Lương Liễu - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]