“Bỏ đi thì tiếc, mà trồng thì cũng dở”
Vào tháng khoảng tháng 11/2013, đại diện công ty TNHH Rau quả Toàn thịnh cảng liên vân (Trung quốc) với đại diện là bà Bành Bội Tuấn có giới thiệu tới Hợp tác xã (HTX) Nghệ An một giống ớt mới của Trung Quốc. Ngày 12/11, HTX Nghệ An có tờ trình đề nghị cơ quan chức năng kiểm định giống ớt này, nhưng chờ mòn mỏi mà không thấy có kết quả (nguyên nhân được tìm ra sau này là do ông Trần Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An cung cấp hồ sơ sai thông tin về giống ớt này). Người dân nóng ruột như ngồi trên đống lửa.
Ông Phạm Viêt Hùng, cán bộ ban Nông nghiệp xã nói với báo chí: “Việc làm đất đã hoàn tất, bà con chỉ chờ để đem cây ớt ra trồng. Hiện nhiều luống ớt giống đã vào thời kỳ quá độ, nếu dăm ngày nữa không đem trồng sẽ rất muộn. Chỉ mong các cấp có thẩm quyền sớm xem xét để bà con biết đường gieo trồng cho kịp thời vụ”.
Người nông dân tại Nam Đàn (nơi dự định sẽ trồng ớt sau khi có kết quả kiểm định) khi được hỏi chuyện trồng ớt thay nhau than thở: Có tiếp tục trồng ớt hay bỏ đi trồng lạc như mọi năm, nếu trồng thì khi nào trồng? Ông Xoan (xóm 5) băn khoăn: “Nói dân trồng thì trồng thôi. Nhưng quan trọng khi mô trồng đây? Nếu không trồng thì nói một tiếng để dân chuyển sang trỉa lạc cho kịp”.
Giống ớt Trung Quốc chưa được kiểm định nhưng người dân phải ươm trước vì lo muộn vụ mùa. Ảnh SGGP
Tới ngày 25/11, HTX có tờ trình đề nghị cho phép trồng khảo nghiệm giống ớt trên tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc và Diễn Châu. Cho tới ngày 27, chi cục BVTV mới có công văn thông báo không cho phép trồng khảo nghiệm. Nhưng ươm cũng ươm rồi, trồng ớt cũng cho thu nhập cao hơn trồng lạc, thương lái Trung Quốc lại cam kết thu mua, người dân lâm cảnh “bỏ đi thì tiếc, mà trồng thì cũng dở”
Người dân vừa đắng lòng, vừa cay cú vì ớt Trung Quốc
Dưới cái nắng như đổ lửa, bà Phạm Thị Ái, trú xóm 2, xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) rầu rĩ trước ruộng ớt trên cánh đồng Trự Càn. Trả lời phỏng vấn báo chí, bà cho biết đầu năm nay, gia đình bà cùng với nhiều nông dân được một người Trung Quốc tên là Bành Bội Tuấn thông qua xã đưa giống ớt đến với bà con. Bà ta hứa rằng sẽ thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch với giá cao hơn giá thị trường.
Nghe lời hay, lại nghe lãnh đạo xã nói đây là cánh đồng mẫu nên nhà bà cũng nhận trồng gần 2 sào ớt. Không kể quá trình chăm sóc, bà phải bỏ ra 6 bì phân tổng hợp (mỗi bì 150.000 đồng), 1 bì phân đạm 500.000 đồng, rồi thuốc trừ sâu…
Thế nhưng, đến khi thu hoạch bà chỉ bán được cho bà Tuấn 3 yến ớt với giá 55.000 đồng/kg. Bà Ái bức xúc: “Lúc đầu, bà ta nói sẽ lấy ớt với giá 60.000 đồng/kg, sau ép giá còn 55.000 đồng, nhưng bà ta bắt dân chọn ra quả đẹp mới lấy, chỉ một quả bị nám là bỏ cả. Nhưng bà ta cũng chỉ mua đợt một, từ đợt thu hoạch thứ hai cho đến giờ là đợt bốn không thấy bà ta quay lại. Ớt chín đổ đầy đồng”.
Cay đắng vì cả ruộng trồng ớt Trung Quốc không bán được. Ảnh SGGP
Ông Tô Bá Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cay cú nói trên báo Thanh niên: “Chủ doanh nghiệp này vừa quay lại xã nói do căng thẳng trên biển Đông nên bà ta không quay lại để thu mua ớt được. Bây giờ thì ớt đã khô nên họ không thu mua nữa. Qua vụ việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và sẽ không trực tiếp ký hợp đồng với bất cứ doanh nghiệp Trung Quốc nào đưa giống cây về trồng ở xã nữa”.
Cơ quan chức năng…đứng nhìn
Theo tin tức trên báo chí, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, cho biết, vụ giống ớt có nguồn gốc Trung Quốc chưa qua kiểm dịch đã đem gieo trồng tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, sở ở thế bị động, không được báo cáo. Đến khi thu hoạch không bán được cũng “kêu” sở, nhưng sở chỉ có chức năng về mặt chuyên môn, còn chuyện hợp đồng, thu mua… là việc của các bên liên quan.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]