Ớt chín đỏ đồng
Cách đây hơn 2 tháng, thương lái trồng ớt chuyên canh ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã chạy đôn chạy đáo tìm đường bán ớt. Lúc thương lái cần hàng xuất qua Trung Quốc, họ gợi ý nông dân chọn giống ớt này, tới khi dội hàng họ tìm cách chê ớt không cay, màu vỏ trái không đỏ và tìm cách không mua. Một số nông dân buồn bã chạy sang huyện An Phú (An Giang) tìm hiểu mô hình trồng bắp với dự tính thay thế cây ớt.
Mãi đến nay nông dân trồng ớt ở huyện Thanh Bình vẫn chưa có cách nào giải thoát sản phẩm tồn đọng. Ông Lê Văn Ân, ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trồng 4 công ớt giống Demon theo gợi ý của thương lái chuyên xuất hàng qua Trung Quốc. Chi phí đầu tư gần 30 triệu đồng, trồng ớt tới khi thu hoạch phải nài nỉ thương lái vào mua với giá 14.000 -15.000 đ/kg, giảm 50% so với thời điểm đầu năm.
Ông Nguyễn Hữu Phước, nông dân cùng huyện Thanh Bình, trồng 8 công ớt, đến ngày ớt chín không biết bán cho ai: “Trước đây mấy tháng, một số thương lái liên tục đến, họ vào tận nhà nông dân, kêu chúng tôi trồng giống ớt Demon và hứa hẹn sẽ mua hết. Có thương lái còn ra “chiêu” đưa giống cho các đại lý bán vật tư nông nghiệp, khuyến cáo các đại lý này bán cho nông dân với giá rẻ. Nhưng bây giờ thì thật bi đát, ớt Demon tươi không ai mua. Đã vậy Trung Quốc cũng không ăn hàng ớt phơi khô hoặc sấy”.
Ông Nguyễn Văn Thật, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Bình cho hay: Qua việc các thuơng lái Trung Quốc khuyến khích nông dân trồng giống Demon, chúng tôi đang nhanh chóng rà soát lại xem giống ớt này có được phép trồng không, nếu không thì phải có biện pháp xử lý ngay.
Tuy nhiên thời gian qua, phía huyện cũng đã nhắc nhở 3 trường hợp thương lái Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật VN, vì họ đến trực tiếp các hộ nông dân gạ trồng ớt, nhưng cuối cùng họ không mua. Còn theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, năm 2013, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha ớt, năng suất bình quân từ 21 -25 tấn/ha. Tổng sản lượng ớt của tỉnh Đồng Tháp trên 50.000 tấn/năm.
Sương sáo chất đống
Hậu Giang là nơi nhiều nông dân chuyên trồng cây sương sáo, tập trung ở các huyện Phụng Hiệp và Châu Thành A. Trong khoảng 2 năm gần đây, từ khi xuất hiện thương lái Trung Quốc đến thu mua khiến giá sương sáo chao đảo, không còn ổn định và người thiệt hại cuối cùng vẫn là nông dân.
Lúc đầu khi thấy một số nông dân trồng sương sáo trúng mùa, trúng giá, nông dân ở các xã Hiệp Hưng, Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp rủ nhau chuyển sang trồng sương sáo. Diện tích cây trồng này tăng lên hàng chục ha.
Ông Đặng Văn Triều, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp lúc đầu trồng sương sáo 3 công, sau tăng lên 15 công kể: "Năm 2013, tôi trồng 3 công sương sáo, sản lượng đạt 2 tấn/công, giá 25.000-33.000 đ/kg bán cho thương lái Trung Quốc, tôi thu lãi gần 150 triệu đồng. Lợi nhuận từ 3 công sương sáo hơn cả khi làm 12 công mía cộng lại. Năm nay tiếp tục mở rộng diện tích, ai ngờ chỉ trong một tháng mà giá lại rớt thảm hại, còn 11.000-12.000 đ/kg, mà vẫn không có ai mua".
Cũng như ông Triều và nhiều hộ nông dân khác, anh Lê Văn Định ở ấp Long Trường 3, xã Long Thạnh thấy bà con trồng sương sáo lãi cao, năm nay anh bỏ mía, chuyển sang trồng 7 công sương sáo. Đến thời điểm này ruộng trồng sương sáo của anh Định lên xanh tốt, chi phí tính đến nay trên 300 triệu đồng, giờ "gặp hạn" vì sương sáo bí đầu ra.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: Thời gian đầu, thương lái nước ngoài liên kết với thương lái địa phương hỏi mua sương sáo với giá 25.000- 30.000 đ/kg, thậm chí 32.000-35.000 đ/kg, nên một số người trồng sương sáo trúng đậm. Vì tính ra giá thành chỉ khoảng 12.000 đ/kg.
Do thấy ngon ăn nên nhiều hộ ở huyện Phụng Hiệp ùn ùn mở rộng diện tích sương sáo lên khoảng 50 ha. Tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay, giá sương sáo giảm mạnh hiện ở mức 10.000- 11.000 đ/kg, với lý do thương lái Trung Quốc không thu mua nữa.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]