Ông Nguyễn Phê, một người dân trồng ớt cho biết, cách đây 3 năm, người dân trong xã chỉ trồng vài ha ớt. Số ớt này phục vụ thị trường trên địa bàn huyện là chính. Tuy nhiên, khi Trung Quốc thu mua ớt, người dân đổ xô trồng. Do đó diện tích ớt được thay thế nhiều cây trồng khác trên địa bàn.
“Vụ ớt năm trước giá cao ngất ngưởng, thương lái thu mua tới 40.000 đồng/kg. Mức giá này, nông dân thu lãi hơn 30 triệu đồng/sào. Thấy lợi nhuận cao người dân đua nhau trồng”, ông Phê nói.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân tìm mua các loại giống ớt như: F1-20, 365, Phù Sa… phục vụ xuất khẩu. Thế nhưng nay ớt đến kỳ thu hoạch, thương lái vắng bóng nên nông dân bỏ mặc ngoài ruộng.
Đứng bên cạnh 5 sào ớt đã vào vụ thu hoạch hơn nửa tháng nay, bà Nguyễn Thị Mánh, xã Duy Châu, ngao ngán: “Thương lái đến ruộng nói quả ớt không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, bởi thị trường Trung Quốc thu mua ớt to, thẳng và dài từ 10-15 cm. Trong khi ớt ở địa phương không đủ tiêu chuẩn nên bị chê”.
Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Tuyết, trồng gần 4 sào giống ớt xuất khẩu. “Một sào ớt đầu tư hơn 1 triệu đồng tiền phân bón, giống, thuốc trừ sâu. Cộng với 3 tháng chăm sóc nhưng không biết tiêu thụ đi đâu. Cứ đà này, nắng lên gặp đợt mưa nguy cơ ớt rụng đầy ruộng khó tránh khỏi”, bà Tuyết chua xót.
Để vớt vát, một số người dân cắn răng ra đồng thu hoạch bán với giá bèo hoặc đem phơi khô. “Hiện giá bán chỉ 3.000-5.000 đồng/kg, trong khi thuê tiền công một ngày hái ớt hết 200.000 đồng. Tính ra tiền bán ớt không đủ tiền thuê người thu hái”, bà Tuyết cho hay.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Duy Xuyên cho biết, đang kêu gọi các đơn vị, công ty tư nhân tiến hành thu mua toàn bộ số lượng ớt đã vào vụ thu hoạch.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]