Báo Ashani Shimbun của Nhật Bản hôm 6.11 cho biết, Tập đoàn Isetan Mitsukoshi Holdings Ltd vừa thừa nhận đã sử dụng tôm càng trắng trong thực đơn của món tôm Shiba và Taisho, 2 loại tôm có chất lượng cao hơn.
Không chỉ vậy, công ty này còn sử dụng thịt bò được bơm mỡ gia súc để nấu món “bò bít tết”. Isetan Mitsukoshi Holdings cho biết, có tới 52 món ăn ở 14 nhà hàng trong các cửa hàng bách hóa của tập đoàn trên toàn quốc sử dụng nguyên liệu không đúng so với thực đơn. Hơn 200.000 đĩa thức ăn loại này đã được bán ra kể từ năm 1996.
Phát giác việc sử dụng nguyên liệu thấp cấp hơn trong các menu ở các nhà hàng Nhật Bản gây chấn động dư luận nước này.
Khách sạn New Grand, một trong số những khách sạn nổi tiếng nhất vùng Yokohama, cũng cho biết đã ghi thành phần sai so với thực đơn. Tôm càng trắng tiếp tục được sử dụng thay tôm Shiba. Nước cam tươi trên thực đơn thực chất là nước cam chế biến được bảo quản lạnh nhập khẩu từ Mỹ.
Tập đoàn Takashimaya Co, sở hữu các cửa hàng bách hóa và khách sạn nổi tiếng cũng đã thừa nhận “đánh lừa khách hàng”. Nhà hàng cao cấp Fauchon của Takashimaya ở quận Nihonbashi, Tokyo đã dùng tôm hùm đen để nấu món “kuruma ebi” (tôm hùm Nhật Bản). Trên thị trường, tôm hùm Nhật Bản có giá đắt gấp 3 lần tôm hùm đen.
Tập đoàn Tokyu Hotels Co cũng cho biết, các nhà hàng trong 20 khách sạn của tập đoàn này đã dùng tôm càng trắng thay tôm Shiba. Công ty cho biết, tổng cộng 477.000 bữa ăn với nhãn sai đã được bán ra từ tháng 4.2007 đến tháng 10 năm nay. Hàng loạt khách sạn Keihan, JR Kyushu, Hankyu… cũng thừa nhận đã có hành động tương tự.
Ông Yutaka Masuyama - Giám đốc điều hành của Takashimaya, đã xin lỗi về vụ việc và biện hộ rằng: “Chúng tôi đã không giám sát chặt chẽ vì thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của độ chính xác của thực đơn”.
"Takashimaya và khách sạn Hankyu là các doanh nghiệp đẳng cấp. Không hiểu sao họ lại làm như vậy" - Hisa Anan, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng nói.
Nhật Bản hiện không có các quy định pháp lý rõ ràng đối với thực đơn nhà hàng. Các quy định về tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản cũng có điều chỉnh các hành vi dán nhãn mác đối với thực phẩm, nhưng không bao gồm các món ăn. Nhưng nếu mặt hàng thực phẩm được mô tả một cách sai lệch về nguồn gốc và chất lượng, đây có thể là một hành vi vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh.
Trên thực tế, theo Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp , Luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh ít khi được áp dụng cho các trường hợp liên quan đến thực đơn tại các nhà hàng.
Theo Minh Đăng - Dân Việt
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]