Nước là một trong những tài nguyên thiên nhiên cần thiết buộc phải có để duy trì sự sống trên trái đất. Cũng chính vì lý do này mà nước trở thành loại hàng hóa quan trọng nhất.
Mặc dù nước cũng đã trở thành một loại hàng hóa được trao đổi, cách mà phố Wall “đối xử” với nước không giống với một loại chất lỏng khác là dầu mỏ.
Trong khi đó, nước sạch có thể uống được được dự báo sẽ ngày càng khan hiếm trong tương lai, khi mà dân số thế giới tăng lên và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn nước. Do đó, câu hỏi ở đây là liệu nước có thể trở thành một loại hàng hóa được trao đổi trên các sở giao dịch hàng hóa, giống như dầu mỏ, ngô hay vàng?
“Nói về viễn cảnh nước trở thành loại tài sản được giao dịch trên sàn là một điều khá thú vị. Nếu nhìn vào các dự đoán trong 25 năm tới, bạn sẽ thấy chênh lệch cung cầu ngày càng tồi tệ hơn”, Deane Dray – chuyên gia phân tích đến từ Citigroup – nhận định. Phần lớn dân số thế giới hiện đang sống ở những vùng thiếu nước và gặp áp lực về nước.
Tuy nhiên, Dary và các chuyên gia khác cho rằng biến nước thành một hàng hóa giao dịch là điều khá khó khăn, bởi nguồn cung nước hiện đang là một vấn đề mang tính chất địa phương.
“Tôi vẫn chưa hình dung việc này sẽ như thế nào. Nước được quản lý ở từng địa phương. Bạn không thể bơm nước lên và bắt đầu bán nước ở đâu đó”, Robert Kennedy Jr., Chủ tịch của Waterkeeper Alliance – cơ quan thúc đẩy bảo vệ nguồn nước trên toàn cầu – nói.
Trong báo cáo nhu cầu nước của thế giới năm 2014, Liên hợp quốc dự đoán nhu cầu sẽ tăng lên mạnh mẽ ở các nước mới nổi. Đến năm 2050, lượng nước mà ngành nông nghiệp tiêu thụ sẽ tăng khoảng 20% trên toàn cầu.
Còn OECD dự báo sử dụng nước để tạo ra năng lượng có thể tăng khoảng 30% trong giai đoạn 2010 - 2035 trong trường hợp các nước không thuộc OECD đóng góp 90% tăng trưởng kinh tế thế giới. Tình trạng thiếu nước càng trầm trọng khi đến năm 2050 sẽ có thêm 2,3 tỷ người sống ở những vùng thiếu nước như Bắc và Nam Phi hay Nam và Trung Á.
Nước dồi dào ở những nơi không cần đến nó và gây nên ngập lụt trong khi thiếu hụt ở những nơi cần đến nước như các vùng quá đông dân cư hay hoang mạc. Chi phí vận chuyển cũng rất lớn. Sẽ mất nhiều tiền hơn để bơm nước so với bơm dầu.
Giá nước cũng rất khác nhau ở mỗi nước và không có quy chuẩn chung. Ví dụ, nước được cung cấp miễn phí ở Ireland trong khi người Đan Mạch phải trả nhiều tiền mất (trung bình khoảng 3,88 USD/m3). Ở Mỹ, mức trung bình là 1,48 USD trong khi ở Đức là 3,08 USD.
Hạn hán ở phương Tây khiến các chính phủ chú trọng đến vấn đề quản lý tài nguyên nước. Ở Mỹ, biến đổi khí hậu và sử dụng nước lãng phí khiến sông Colorado cạn nước và có thể dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng. Năm 1922, Thỏa thuận sông Colorado đã được ký kết giữa 6 trong số 7 bang có sông này chảy qua. Các nông trại ở California phải phụ thuộc vào dòng sông này trong khi 80% các loại rau củ mùa đông được trồng ở đây. Do đó, có thể nói cả nước Mỹ phụ thuộc vào sông Colorado.
Một trong những lý do khiến nước trở thành hàng hóa có ý nghĩa quan trọng là bởi nước gắn liền với nông nghiệp và năng lượng. Nước không chỉ được sử dụng cho tưới tiêu mà còn để phát điện. Ngược lại, năng lượng lại được sử dụng để bơm nước và thu hoạch mùa màng. Nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm mát các nhà máy nhiệt điện.
Trong lịch sử cũng đã có khá nhiều ví dụ về việc phân chia nguồn nước sẽ dẫn đến chiến tranh hoặc những thảm họa môi trường. Tác động đến các dòng chảy tự nhiên có thể gây ra hạn hán. Thêm vào đó, tác động vào tự nhiên sẽ vấp phải sự phản đối của công chúng.
Vùng Trung Đông đã chứng kiến nhiều cuộc đụng độ do tranh chấp nguồn nước, trong đó có xung đột ở Syria. Sông Euphrates từ lâu nay cũng là nguồn cơn dẫn đến xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã tác động đến dòng nước chảy đến Syria và Iraq.
Theo Kennedy, World Bank giờ đây đã coi nước là ngành công nghiệp nghìn tỷ. Bởi nước là hàng hóa thiết yếu đối với cuộc sống của con người và nguồn nước ngày càng khan hiếm, chắc chắn người ta sẽ cố gắng tìm ra cách để “thương mại hóa” và bán nước.
Trong khi đó, giáo sư John Reilly đến từ MIT cho rằng các nhà kinh tế học ưa thích ý tưởng hàng hóa được tự do giao dịch bởi quá trình này làm tăng hiệu quả kinh tế. Đối với trường hợp giao dịch nước trên phạm vi toàn cầu, thực chất chúng ta đã bán nước đóng chai trên khắp thế giới. Vị giáo sư này cho rằng thế giới sẽ chứng kiến những việc như phân chia lại nguồn nước, làm sạch và tái chế nước trước khi nước trở thành một hàng hóa được giao dịch trên sàn như các loại hàng hóa khác.
Richard Sandor, CEO của Environmental Financial Products, tin rằng có rất nhiều trở ngại ở phía trước và nước sẽ được giao dịch thông qua các công cụ tài chính trong vòng 5 đến 10 năm tới. Sandor là người góp phần tạo nên các hợp đồng lãi suất tương lai khi làm việc tại CME, đồng thời cũng là người đứng sau Chicago Climate Exchange - hệ thống giao dịch khí thải nhà kính.
Ông cho rằng những giới hạn vật lý trong việc bơm và vận chuyển nước có nghĩa là trong tương lai chúng ta rất cần đến sự sáng tạo. Một vấn đề quan trọng hơn là định giá những công cụ tài chính này như thế nào.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]