Những thông tin về hàng Trung Quốc nhiễm độc khiến người tiêu dùng đang bị nhiễu loạn thông tin về các loại thực phẩm, từ đó kéo theo sự “ghẻ lạnh” ngay cả với hàng nông sản trong nước, bởi niềm tin vào xuất xứ hàng hóa đang trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Chanh vỏ xanh trên thị trường chủ yếu là hàng Trong nước
Ngay trước cả khi dàn khoan HD 981 xuất hiện trên Biển Đông, nhiều người tiêu dùng đã cảnh giác với các mặt hàng “made in China”. Giờ thì sự kiện trên khiến xu hướng tẩy chay hàng hóa xuất xứ từ nước này càng trở nên mạnh mẽ hơn đặc biệt là trên các trang mạng xã hội và diễn đàn. Thêm vào đó, truyền thông lại mới đưa tin về 8 mặt hàng rau củ của Trung Quốc nhiễm độc bao gồm chanh tươi, nho tươi, hồng, táo, củ cải trắng, quýt, cam và cà rốt, lại càng khiến nhiều người thêm lo sợ và muốn tẩy chay hàng Tàu.
Vì thế, nhiều thông tin từ rỉ tai cho đến xuất hiện chính thức trên truyền thông về cách thức phân biệt chanh tươi Việt Nam với chanh Trung Quốc, hay thanh long Tàu với ta… khiến mọi nhà nhớn nhác. Giờ ăn uống cái gì cũng sợ sệt, chỉ chuộng hàng nhà làm, nhà trồng. Thậm chí, đang vào mùa hè, nhu cầu tiêu thụ chanh tăng cao để giải khát, làm nước chấm… thì do người tiêu dùng e dè vì sợ mua phải chanh Tàu đã khiến mặt hàng này cũng đã bán chậm hơn hẳn.
Chanh Trung Quốc nhiễm độc là giống chanh vỏ vàng, ít được tiêu thụ tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo thông tin của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thì 6 tấn chanh tươi nhiễm độc bị phát hiện là giống chanh vỏ vàng chứ không phải là chanh vỏ xanh. Nhưng do thông báo này chỉ ghi là “chanh tươi” nên người tiêu dùng hiểu lầm mặt hàng nhiễm độc là chanh vỏ xanh, quả tròn đang được bày bán phổ biến. Đồng thời, hiện chanh xanh vỏ tại nhiều chợ đầu mối của Hà Nội vẫn chỉ có hàng trong nước được nhập về từ Cao Lãnh- Đồng Tháp và một số vùng khác chứ không hề có hàng Trung Quốc. Việc thông tin sai lệch, đã khiến nhiều thương lái kinh doanh mặt hàng chanh tươi và người trồng ít nhiều bị ảnh hưởng do “án oan” chanh Trung Quốc.
Đó chỉ là một trong nhiều nguồn tin về hàng Tàu bị nhiễu loạn làm ảnh hưởng đến nông sản trong nước. Ngoài ra, còn có rất nhiều những loại nông sản như cà chua, cà rốt, hành tây, củ cải trắng, hồng… cũng bị “kết án oan” khi nghi ngờ là hàng Trung Quốc. Các kinh nghiệm được nhiều bà nội trợ
chia sẻ chủ yếu vẫn là cảm quan bên ngoài, với quan sát cá nhân nên nhiều khi có thể không chính xác.
Thực tế, phần lớn hạt giống rau củ của Việt Nam đang phải nhập khẩu với một phần không nhỏ hạt giống xuất xứ Trung Quốc do nguồn cung trong nước không đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, việc sử dụng cùng 1 giống cây trồng với đặc điểm thời tiết tương tự nên hình dáng, màu sắc củ quả dù hàng Việt hay hàng Tàu cũng sẽ tương đương như nhau. Vì thế, chuyện phân biệt hàng Trung Quốc hay hàng nội bằng hình thức bên ngoài là điều không thể. Chỉ cần lấy ví dụ về quả cà chua thì sẽ thấy, hiện rất nhiều địa phương đang trồng cà chua lấy giống từ Trung Quốc và khi bói quả thì đương nhiên cây cùng một giống, đất chẳng khác nhau thì quả không lẽ khác nhau?
Bí đỏ quả dài (bên trái) được cho là hàng Tàu thực tế vẫn được trồng tại một số vùng của nước ta.
Tương tự, các bà nội trợ cũng rỉ tai nhau cách phân biệt bí đỏ và cho rằng loại bí quả dài, to là bí Trung Quốc và loại bí tròn mới là của Việt Nam. Tuy nhiên, giống bí đỏ quả dài cũng đã được trồng tại Việt Nam từ vài năm nay và giống xuất xứ… Trung Quốc. Cô Ngân, một nông dân tại Bắc Giang cho biết: “Từ 1-2 năm trước, loại bí đỏ quả dài đã được nhiều người chọn trồng tại đây. Năng suất khá tốt, quả to, ruột vàng và rất bở”.
Có thể nói, ngay trên lĩnh vực giống cây trồng, nông sản, hàng Trung Quốc đã len lỏi vào từng mùa vụ của bà con nông dân Việt Nam. Vì thế, việc phân biệt hoa quả, nông sản Trung Quốc với hàng nội nhiều khi là điều không thể. Tuy nhiên, cũng có một số loại nông sản của Trung Quốc tương đối dễ nhận biết so với hàng trong nước như: gừng, tỏi, hành, cải bắp… Cho nên, trong thời điểm này, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước mọi loại thông tin chứ không thể cứ lấy nỗi sợ ra soi chiếu vào mọi mặt hàng, sản phẩm, bởi đôi khi, “đánh chuột vỡ lọ” dễ khiến nông sản trong nước “khóc ròng” vì bị mang tiếng oan.
Tuy nhiên, để các mặt hàng thực phẩm,
nông sản sạch đến được tay người tiêu dùng, có thể nói các kênh phân phối của Việt Nam quá kém, mà trong đó, các nhà bán lẻ Việt là một kênh quan trọng kết nối người tiêu dùng với nơi sản xuất vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình trong một thị trường cạnh tranh và đa dạng như hiện nay.
Bên cạnh nhiều nông sản chịu oan vì hàng Trung Quốc thì cũng có không ít người trồng đang lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng tăng trọng, thuốc bảo quản... Vai trò của cơ quan nhà nước là quản lý xuất xứ cũng chỉ đóng một vai trò nhỏ, không giải quyết đc vấn đề dù tập trung đến đâu. Cần có các tổ chức xã hội có thể hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân từ cách tổ chức chọn giống, đăng ký, đảm bảo quy trình sản xuất ra sản phẩm an toàn đến marketing, tổ chức bán hàng... Nếu không thì nhiều nông sản Việt cũng chẳng khác gì hàng Tàu!
Theo Zing.vn