Dịch bệnh gia tăng, giá bán giảm, thiếu vốn sản xuất, thua lỗ nhiều năm liên tiếp, cạnh tranh ngày càng không lành mạnh ở thị trường ngoài nước... là những thách thức, khó khăn mà ngành thủy sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt. Thực trạng đó đang làm cho người nuôi cá, tôm hụt hơi.
Người nuôi cá tra ngán ngẩm với nghề
Mặc dù giá cá tra đã ở mức ổn định (từ 22.000-23.000 đồng/kg thay vì chỉ ở mức từ 17.000-18.000 đồng/kg như những tháng đầu năm 2016) nhưng hiện nay, nhiều người dân, doanh nghiệp (DN) nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn ngao ngán. Ông Cao Lương Tri - người dân có hơn 20 năm nuôi cá tra ở xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, ông đang ngán ngẩm với nghề.
Người dân phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ thu hoạch cá tra. Ảnh: Huỳnh Xây
“Chắc tôi nghỉ nuôi quá. Tôi và nhiều nông dân nuôi cá ở đây đang đi vào ngõ cụt vì thua lỗ mấy năm liên tiếp. Việc thua lỗ trên không chỉ do giá cá bán ra giảm thất thường mà còn do thời tiết, dịch bệnh, giá đầu vào tăng dẫn đến chi phí sản xuất không ngừng đội lên cao”- ông Tri nói.
Cũng theo ông Tri, ở tỉnh An Giang có hơn 12 DN sản xuất, kinh doanh cá tra, trong đó có 4 DN đã… “chết”, các DN còn lại thì một số cũng đang khó khăn, “sức khoẻ” không còn ổn nữa. “Nếu các DN “chết” thì người dân cũng “chết” theo, không ai mua, tiêu thụ cá nữa” – ông Tri buồn rầu nói.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thị trường xuất khẩu cá tra chính như Mỹ và EU sẽ còn tiếp tục suy giảm do chất lượng cá tra chưa được cải thiện và có quá nhiều sản phẩm thay thế như cá minh thái, cá rô phi... Bên cạnh đó, ở thị trường Mỹ, rào cản thuế chống phá giá vẫn chưa được gỡ bỏ, còn ở thị trường Trung Quốc thì vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại vẫn còn có tình trạng cá quá lứa chưa được thu hoạch, sản phẩm tồn kho của DN còn nhiều. |
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thị trường xuất khẩu cá tra chính như Mỹ và EU sẽ còn tiếp tục suy giảm do chất lượng cá tra chưa được cải thiện và có quá nhiều sản phẩm thay thế như cá minh thái, cá rô phi... Bên cạnh đó, ở thị trường Mỹ, rào cản thuế chống phá giá vẫn chưa được gỡ bỏ, còn ở thị trường Trung Quốc thì vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại vẫn còn có tình trạng cá quá lứa chưa được thu hoạch, sản phẩm tồn kho của DN còn nhiều.
Cũng như chia sẻ của ông Tri, nhiều hộ dân nuôi cá tra ở các địa phương khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu… cũng không còn mặn mà với con cá tra. “Giá thành sản xuất cá tra ở mức 20.500-21.000 đồng/kg, trong khi giá bán ra chỉ được từ 22.000-23.000 đồng/kg nên khả năng lời đối với người dân là rất mong manh. Bởi giá bán luôn dao động thất thường, người nuôi thường bị DN chèn ép, mua với giá thấp” – ông Trần Hiếu Trung, hộ nuôi cá tra tại quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) cho biết.
Ông Bảy cho biết, trước đây, ngoài 2 ao của đất gia đình, ông còn thuê thêm 3 ao của người dân lân cận để nuôi cá tra (tổng diện tích mặt nước gần 10.000m2). Đến năm 2012, mô hình nuôi cá tra của gia đình được công nhận GlobalGAP, nhưng chỉ 1 năm sau đó, giá cá tra tuột dốc không phanh, ông bị thua lỗ nặng nên đã chuyển sang nuôi cá lóc.
Nuôi tôm gặp khó trăm bề
Cũng như con cá tra, nhiều vùng nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL rơi vào tình trạng thất thu. Nhiều hộ cho biết, vài năm trở lại đây và đặc biệt là năm 2016 này, việc nuôi tôm trở nên rất khó khăn. Nếu không bị mất trắng do hạn, mặn thì nguồn thu từ việc xuất bán tôm cũng không đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Phước, ở xã Hoà Tứ 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Con tôm đang gặp khó khăn trăm bề. Ban ngày nắng nóng, ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp. Do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, tôm trong 2 ao nuôi của gia đình tôi rất chậm lớn. Hằng ngày, tôi phải sử dụng nhiều loại thuốc, thức ăn để bổ sung, mong tôm có thêm sức đề kháng, nhưng nửa tháng qua tình hình chưa được cải thiện”.
Ông Phước cũng nói thêm là do kỹ thuật nuôi tôm của ông “có tầm cỡ” nên “chỉ mới lỗ công”, còn nhiều hộ dân trong xã và nhiều xã lân cận bị thiệt hại nhiều hơn. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2016, người dân toàn tỉnh thả nuôi chỉ đạt 21% kế hoạch năm (khoảng 9.000ha), trong đó diện tích thiệt hại đã lên đến hơn 1.600ha.
Còn ông Nguyễn Văn Nghiêm (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết: Theo quy hoạch chung của địa phương, từ năm 2000, ông đã chuyển đổi 2ha đất trồng lúa sang nuôi tôm nhưng nhiều vụ nuôi ông toàn gặp cảnh “tôm không chịu sống”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]