Các chỉ số thống kê cho thấy, GDP do ngành công nghiệp tạo ra so với cùng kỳ năm trước đã có xu hướng cao lên (quý I tăng 5,3%, 6 tháng tăng 5,8%, 9 tháng tăng 6,44%). Điều này thể hiện sản xuất công nghiệp đã bớt khó khăn, có thể tăng trưởng cao hơn trong quý IV.
GDP do công nghiệp khai khoáng tạo ra giảm so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với chủ trương tiết kiệm tài nguyên khoáng sản cho đất nước. Riêng khai thác và xuất khẩu dầu thô tăng trở lại để “đỡ” cho công nghiệp và cho toàn bộ nền kinh tế.
Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng cao hơn tốc độ chung của toàn ngành công nghiệp (tăng 8,57% so với tăng 6,44%). Đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp khi chiếm 55,8% GDP công nghiệp và 18,9% tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 8,9% cho thấy đầu ra không còn là một điểm nghẽn lớn và kéo dài.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt khoảng 90 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 13,2%; trong đó hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, còn tăng cao hơn (22,2%).
Tuy có những tín hiệu khả quan, nhưng ngành công nghiệp hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
GDP do công nghiệp tạo ra chưa thực sự phục hồi trong khi đây là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, tồn kho 1/9 năm nay so với cùng thời điểm năm trước còn cao như: Kim loại; thuốc, hóa dược và dược liệu sản xuất sản phẩm từ giấy, may...
Việc tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn, do nợ xấu còn cao, tiêu thụ còn chậm. Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên, nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn cao và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Những hạn chế, bất cập, thách thức trên cần tiếp tục được giải quyết trong những tháng còn lại của năm 2014.
Các ngân hàng cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với vốn thuận lợi hơn.
Đã có nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục thuế, hải quan, xu hướng tích cực này cần được triển khai mạnh mẽ hơn giúp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất nhanh hơn, thực hiện các đơn hàng xuất khẩu kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, xử lý quyết liệt hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]