Không đi thì tiếc, đi thì… ngủ gật!
Nắng nóng, hầu hết các chợ trên địa bàn Hà Nội đều rơi vào cảnh hiu hắt. Cảnh mua bán chỉ nhộn nhịp khoảng 1-2 tiếng vào đầu buổi sáng ở các khu vực bán đồ ăn sáng và thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau. Sau 9h sáng, nhiều tiểu thương bỏ quầy hàng của mình, túm năm tụm ba tám chuyện… Vắng nhất phải kể đến những dãy bán đồ khô, tiếp đến là hàng quần áo thời trang…
Chị Nguyễn Thị Bình, bán đồ khô tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) tâm sự: “Nắng nóng thế này, đồ tươi còn không muốn nuốt thì đồ khô bán sao được? Ế lắm, không đi chợ thì tiếc mà đi chợ lại buồn, ngồi ngủ gật cả ngày, ít khách lắm. Một ngày may ra bán được cho 4-5 khách, lãi không đủ tiền trả tiền điện chứ đừng nói gì đến chuyện trả tiền thuê cửa hàng”.
Các mặt hàng thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt lợn, thịt bò cũng bị ngó lơ trong những ngày này. Chị Trần Thị Thu, bán thịt lợn ở chợ Mai Động (quận Hoàng Mai) ngán ngẩm: “Trước đây, trung bình một ngày tôi bán hơn một tạ thịt, nhưng những ngày nắng nóng thế này chỉ bán được 30-40 kg. Bây giờ lợn khan hiếm vì người dân ít nuôi, giá nhập cao hơn trước 7.000- 8.000 đồng/kg, lời lãi chẳng còn được bao nhiêu mà cũng không dám tăng giá bán vì ế quá”.
Đối với các loại cá như cá chép, cá trắm trắng, trắm đen đều giảm giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể: Cá chép giảm giá còn 55.000 đồng/kg, trắm khúc 70.000 đồng/kg, trắm đen còn 110.000 đồng/kg. Giá giảm nhưng sức mua lại kém hơn trước.
Các loại rau củ tưởng như giải nhiệt tốt, lượng tiêu thụ sẽ khả quan hơn, tuy nhiên vẫn bán chậm. Trời nắng nóng, các loại rau để đến chiều là thối, úa, hỏng hết đành phải đổ đi, nên những ngày này đi bán hàng có chút lãi là tốt còn không phải chịu hòa, thậm chí lỗ vốn.
Bên cạnh đó, các quán cơm bụi, cửa hàng bán thời trang cũng nằm trong tình cảnh chung, bởi nắng nóng không ai muốn thò đầu ra khỏi phòng lạnh chứ đứng nói đến chuyện lao ra đường đi ăn trưa hay tranh thủ giờ nghỉ trưa đi mua sắm.
Chị Trần Thị Nga, một tiểu thương bán hàng tạp hóa ở chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết: “Từ sáng đến trưa hôm nay tôi bán được đúng một gói xà phòng giặt, lợi nhuận chưa đến 1.000 đồng. Chợ búa thế này thì chết”. Những đại lý bán bánh kẹo cũng rơi vào cảnh ế ẩm khi nắng quá, đồ ngọt cũng không còn sức hút.
Giá giảm kịch trần, khách vẫn ngó lơ
Buồn tẻ nhất phải kể đến dãy hàng bán ấm chén, bát đĩa và các quầy hàng quần áo, hàng vải hay hàng xén ở các góc khuất trong chợ. Những tiểu thương này cho biết có khi cả ngày không nhìn thấy khách hàng đến xem chứ chưa nói đến mua. Khách hàng hầu hết chỉ vào những quầy hàng bên ngoài trục đường chính trong chợ rồi quay ra chứ ít khi vào hàng ở các ngách nhỏ trong chợ. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, tình trạng ế ẩm càng gia tăng.
Chị Phạm Thị Hồng, bán hàng quần áo phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) chia sẻ: “Nắng thế này, mình bán hàng mà nhiều hôm nóng quá còn không muốn ngồi thì làm sao có khách đến mua. Cả ngày không bán được một món hàng nào đã thành chuyện bình thường. Có khách vào ngó nghiêng một chút rồi đi ra, nhìn thấy họ có vẻ ưng nhưng lại không muốn thử, mà có khách thử tôi cũng ngại vì mồ hôi nhễ nhại thử vào không mua quần áo cũng dễ bị hư vì mốc lắm”.
Thảm hơn là các cửa hàng bán chăn ga gối đệm gần như không có khách ghé thăm. Chị Lê Thị Hòa, chủ cửa hàng bán chăn ga gối đệm phố Xã Đàn (quận Đống Đa) phàn nàn: “Nắng thế này đừng nói là một ngày, có khi cả tuần tôi không bán mở hàng được món hàng nào. Nghĩ đến lại thấy rồ người. Dù đề bên ngoài là giảm giá, thanh lý, giá bèo, niêm yết bên ngoài là vỏ ga chỉ từ 50.000- 80.000 đồng/chiếc, nghĩa là giảm đến kịch trần rồi mà cũng chẳng có khách nào vào hỏi mua”.
Đây có lẽ là thời điểm “bĩ cực” nhất đối với các tiểu thương kinh doanh. Không có người đến mua nên nhiều sạp hàng mới bày buổi sáng đến 10h trưa đã lại phủ kín bạt, 4h chiều vẫn chưa mở cửa hàng.
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]