Hàng giày dép nhựa bán tại chợ Hà Tiên. Ảnh: HĐ
Sức mua sắm tiêu dùng tăng lên, theo đó hàng hóa buôn bán qua lại vùng biên càng thêm sôi động, nhất là hàng Thái gia tăng trở lại cạnh tranh mạnh mẽ với hàng Việt.
Hà Tiên ngày mới
Khu chợ mới Hà Tiên xây dựng khang trang thoáng đãng, phân ra 3 khu: Chợ bách hóa, chợ ăn uống-hoa-trái cây và chợ cá… Do vị trí địa lý Hà Tiên có đường biên tiếp giáp Campuchia dài 13,7 km tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu phụ Sa Kỳ.
Đoạn cuối quốc lộ 80 từ chợ Hà Tiên đi cửa khẩu quốc tế giáp Campuchia chưa tới 10 km, hàng hóa vận chuyển tập kết mua bán nhiều nhất. Nông dân địa phương bán hàng nông sản rau củ quả và hàng công nghệ phẩm tiêu dùng sang bên kia biên giới.
Chiều ngược lại thương lái Campuchia chở trái cây bòn bon sầu riêng Thái, gạo Sóc, gạo Khaodakmali (hay còn gọi Thơm Lài) và có cả hàng tiêu dùng Thái Lan sản xuất chở theo xe thồ sang.
Một chị tiểu thương người Khmer tại chợ Mỹ Đức bán gạo Sóc từ Campuchia chở sang, giá 13.000 đ/kg. Chị nói gạo lúa mùa mềm cơm, giá bán vừa túi tiền dân miền quê nên rất được ưa chuộng.
Đi liền đó là trên các sạp hàng trong chợ, có nhiều hàng tiêu dùng từ Thái Lan bán sang như đường, sữa, dép nhựa và có cả thuốc lá lậu Hero, Jet…
Hàng Thái trở lại
Dân tiểu thương chợ Hà Tiên còn nhớ sau những năm 1990 hàng Thái Lan từng bán rất chạy khi hàng Việt chưa đủ mạnh. Thế rồi chỉ trong 10 năm sau đó hàng Việt đã dần dần lấy lại thế quân bình. Hàng Việt đổ về vùng biên giới Tây Nam nhộn nhịp và bán hàng sang Campuchia.
Hàng Việt hầu như làm chủ thị phần khắp các chợ lớn nhỏ, cửa hàng, tiệm tạp hóa nhờ đáp ứng khá đầy đủ với các mặt hàng phong phú, đa dạng với các loại thực phẩm chế biến: Nước tương, nước mắm, lạp xưởng, xúc xích, bột ngọt, bột nêm, đồ hộp; nước giải khát và các mặt hàng may mặc, đồ nhựa, giày dép, chất tẩy rửa cùng với hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội thất.
Bán gạo Sóc Campuchia ở chợ Mỹ Đức (Hà Tiên). Ảnh: HĐ
Lúc đó hàng Thái Lan bán qua biên giới gần như “co cụm” còn vài mặt hàng như đường cát trắng và thuộc lá lậu.
Song tình hình hiện tại đã khác, hàng Việt đang đối diện thách thức trước làn sóng mới hàng Thái xâm nhập mạnh và chợ vùng biên như “chứng nhân” một cuộc đối đầu hàng nội-ngoại nhập dai dẳng...
Dân tiểu thương chợ Hà Tiên nhận xét: Bây giờ Hàng Thái có sự điều chỉnh tinh khôn hơn, nghĩa là nhắm vào thị trường hễ hàng Việt còn thiếu loại nào, hàng Thái tìm cách có mặt hoặc hàng cùng loại sẵn sàng chen vào cạnh tranh cả về mặt chất lượng, mẫu mã lẫn giá cả.
Anh Bình - chủ một gian hàng bán giày dép trong khu chợ bách hóa Hà Tiên cho biết, hàng dép xốp, dép nhựa Thái Lan kiểu dáng na ná giống hàng Việt, song hàng Thái giá rẻ hơn 10-20 ngàn đ/đôi và dễ lựa chọn màu sắc phù hợp. Bên cạnh đó, vô số mặt hàng vật dụng dùng trong gia đình, từ chiếc đèn pin, dầu gió, cao thoa bóp hiệu con ó đến các loại võng bằng vải dù, chăn dù, chăn lông, xà bông, bột giặt, đồ uống…, giá chỉ vài chục ngàn đến trên trăm ngàn đồng cho một loại sản phẩm.
Anh Mạnh - người chuyên bán hàng quần áo may sẵn tại chợ Hà Tiên nói: Gần đây, hàng Thái chở sang bán ngày càng nhiều. Hàng càng hiếm giá càng cao và tất nhiên mức lãi cho người bán hàng tăng cao gấp nhiều lần.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]