Nông dân Giồng Riềng (Kiên Giang) đang trao đổi với nhau về hàng thật, hàng nhái giữa một rừng sản phẩm có tên na ná nhau
Trong quá trình đi lấy tư liệu viết về loạt bài “Nhập nhằng phân, thuốc” (xem NNVN ngày 28-30/7), nhiều nông dân cho chúng tôi biết trên thị trường vật tư nông nghiệp (VTVN) hiện nay có rất nhiều sản phẩm có tên cũng như công dụng na ná nhau, thật giả lẫn lộn, rất khó phân biệt. Kiểu làm ăn lập lờ này đã khiến không ít nông dân bị “sập bẫy”.
Ma trận tên phân, thuốc
Đến đại lý VTNN là nông dân như bị lọt vào giữa ma trận các mặt hàng phân, thuốc với tên gọi và công dụng gần như giống hệt nhau, phải tinh mắt lắm mới có thể phân biệt được vài sự khác biệt rất nhỏ trên bao bì.
Loại phân, thuốc nào càng được nông dân tin dùng thì càng có nhiều sản phẩm nhái theo. Đơn cử như trên thị trường hiện nay có rất nhiều chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá, phân hữu cơ… đều được giới thiệu công dụng là “năng lượng siêu to hạt”.
Các sản phẩm này có tên rất giống nhau như: Laca SOTO 4SP (Cty Tân Thành, TP Cần Thơ); Lacala SOTO 40PH (Cty Phú Hào, TP.HCM); Cacala SOTO (Cty Ca Ca, TP.HCM); Lacyotal SOTO 18WP (Cty Hóa sinh Lúa Việt, Bình Dương); Layota SOTO 30SP (Cty Phân bón Thùy Dung, An Giang);
Laca SÔTÔ (Cty Sinh hóa nông Miền Nam cung cấp, Cty Senta Nhật Bản, TP.HCM, phân phối); Lastka SOTO (Cty Mỹ Nhật, TP.HCM đăng ký và Cty Ba Đồng Vàng, An Giang độc quyền phân phối); Laca SOSTO (Cty Tâm Đức Hạnh đăng ký và Cty Bình Chánh sản xuất); Lata SOTO (Cty Dohaled USA, TP.HCM); Delta SOTO (Vietducco.,Ltd đăng ký, Cty BVTV Delta, TP Cần Thơ, phân phối);
Lacca SOTO pro 4SP (Cty LO Apoplo USA, TP.HCM); Lakka SOTO (Cty Vạn Hưng Điền, Sóc Trăng); LACCA SOTTO NANO 400SC (Cty Quốc tế HaTa – Nhật Bản, TP.HCM); Laica SOTO 5SP (Cty Phân bón hóa chất Tân Tiến, TP.HCM); Lastka SOTO (Cty Mỹ Nhật, TP.HCM); Lacca SOTTO Amino 400SC (Cty Dha – Thụy Sỹ, TP.HCM);
Lastta SOTO 9SP (Cty Agrovina, TP.HCM); Lacaca SOOTO AnGiang 770SC (Cty An Giang – Sygenta, TP.HCM); Lasca SOTO (Cty Agrochemical Bông Lúa Việt, Kiên Giang); Sieu SOTTO (Cty Thiên Ngưu, TP.HCM)…
Điều đáng nói là các sản phẩm này có loại là thuốc kích thích sinh trưởng, có loại là phân bón lá, có loại là phân bón tổng hợp… nên nếu nông dân không để ý sẽ rất dễ nhầm lẫn khi sử dụng, gây thiệt hại rất lớn.
Nông dân ngán ngẩm
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng VTNN hiện nay, lão nông Tám Thanh (Trần Ngọc Thanh), ở ấp Lân Quy 5, xã Thạnh Quới, Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ lắc đầu ngao ngán: “Thị trường phân, thuốc giờ bát nháo lắm. Mình biết còn đỡ, chứ cứ ra đại lý kể bệnh rồi kêu lấy thuốc là họ cộng cho rất nhiều thứ, thật giả lẫn lộn.
Loại nào Cty chiết khấu càng cao thì họ càng ép nông dân sử dụng nhiều”. Theo ông Tám Thanh, giờ hàng nhái nhiều lắm. Chẳng hạn như sản phẩm Laca SOTO 4SP nếu mua đúng của Cty Tân Thành thì sử dụng rất tốt, hạt lúa mẩy đều. Còn nếu mua phải sản phẩm nhái, xịt xong vài ngày là hạt lúa phì ra trông thấy, nhưng chỉ là phì vỏ trấu, lúc chín hạt gạo không no, chất lượng kém hơn hẳn.
Laca SOTO 4SP của Cty Tân Thành (bên trái) và các mặt hàng nhái có bao bì và tên gọi gần như giống hệt nhau
Còn anh Cao Hoàng Vũ, ở ấp Sở Tại, xã Bàn Tân Định, Giồng Riềng, Kiên Giang lại cho rằng sở dĩ hàng giả, hàng nhái vẫn tiêu thụ được là do đa số nông dân mua thiếu (nợ) nên đại lý đưa loại nào cũng phải chịu, không có quyền lựa chọn.
Cũng có nhiều nông dân vì không nắm được thông tin nên bị đại lý lừa bán hàng. Anh Danh Tiền, ở ấp Rạch Cũ, xã Bàn Thạch, Giồng Riềng, Kiên Giang cho biết, vụ lúa HT vừa qua anh canh tác 6 ha lúa. Thấy nhiều người trong xóm sử dụng thuốc Laca SOTO 4SP hiệu quả nên cũng ra đại lý VTNN Hùng Mai ở chợ huyện hỏi mua 1 thùng về sử dụng (gần 1 triệu đồng).
Thế nhưng, sau khi phun chẳng thấy kết quả gì nhiều mà lúa còn bị cháy lá, ảnh hưởng đến năng suất. Xem kỹ mới biết đại lý bán cho sản phẩm có tên na ná của Cty khác chứ không phải của Cty Tân Thành. Đành bấm bụng chịu chứ thuốc đã sử dụng rồi, lấy gì mà bắt đền đại lý được.
Khó xử lý
Không chỉ lập lờ trong tên gọi, các Cty còn tìm cách “lách luật” bằng cách đăng ký khác nhóm với sản phẩm đã có mặt trên thị trường để tránh bị tuýt còi.
Chẳng hạn sản phẩm Cacala SOTO (Cty TNHH Ca Ca) hay Lacca SOTO 5L Sữa (Cty TNHH Hóa nông Việt Mỹ) đều được đăng ký là phân bón lá và có tên trong danh mục phân bón của Bộ NN-PTNT. Vì là sản phẩm khác nhóm nên các Cty không thể thưa kiện lẫn nhau hay yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
Tương tự, các sản phẩm Lakka SOTO (Cty Vạn Hưng Điền, Sóc Trăng); Layota SOTO 30SP (Cty Phân bón Thùy Dung, An Giang); Lastka SOTO (Cty Mỹ Nhật, TP.HCM đăng ký và Cty Ba Đồng Vàng, An Giang độc quyền phân phối), sau khi bị phòng An ninh Kinh tế, Công an TP Cần Thơ phối hợp với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, các đơn vị này cũng chỉ bị xử lý bằng cách buộc thu sản phẩm trên thị trường, cam kết thay đổi mẫu mã bao bì không trùng với sản phẩm Laca SOTO 4SP của Cty TNHH Tân Thành, chứ không bị xử phạt về hành vi làm hàng nhái, hàng giả.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]