Người trồng cà phê Việt Nam đang tích trữ lượng hàng nhiều nhất trontg vòng ít nhất 5 năm khi chỉ vài tháng nữa là đến vụ thu hoạch – dự kiến sẽ bội thu.
Theo kết quả điều tra của hãng Bloomberg ở 8 thương gia, tính tới cuối tháng 5/2015, nông dân trữ khoảng 35% trong tổng sản lượng 1,56 triệu tấn của vụ mùa năm nay. Mặc dù El Nino có thể ảnh hưởng tới vụ mùa tới, bắt đầu thu hoạch từ tháng 10, sản lượng vẫn được dự báo đạt 1,72 triệu tấn, bằng kỷ lục cao của vụ 2013/14.
Tích trữ nhiều có thể gây áp lực lên giá cà phê kỳ hạn – đã giảm 10% trên sàn giao dịch London trong năm nay, và giảm nhẹ ảnh hưởng từ sản lượng giảm do El Nino trong vụ sắp thu hoạch.
Được biết, người trồng cà phê Việt Nam sẵn sàng tích trữ hàng lại chứ không muốn bán ở mức giá hiện thấp nhất 16 tháng trên thị trường nội địa như hiện nay. Đây là lý do khiến xuất khẩu cà phê Việt Nam đang giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2010.
“Nhiều khả năng sẽ có một lượng tồn trữ lớn từ vụ trước gối sang vụ mới bởi nông dân giữ hàng lại chứ không bán khi giá thấp như hiện nay”, ông Phan Hùng Anh, phó giám đốc công ty Anh Minh Co. ở Đak Lak cho biết hôm 2/6. Theo ông, lượng bán ra sẽ không tăng nhiều nếu giá chỉ hồi phục lên khoảng 40.000 đồng (1,83 USD)/kg.
Cà phê nhân xô giao dịch trong phiên đầu tuần 8/6 ở mức giá 37.100 đồng/kg. Chỉ vài ngày trước đó, hôm 27/5, giá xuống chỉ 34.000 đồng/kg, theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Dak Lak. Giá robusta trên sàn London (ICE) đã xuống mức thấp nhất 18 tháng, 1.566 USD/tấn hôm 26/5, và nhích nhẹ lên 1.724 USD/tấn hôm 8/6.
Xuất khẩu giảm
Lượng cà phê chưa bán ra tính đến cuối tháng 5 còn 550.000 tấn, so với 320.000 tấn một năm trước đó, theo kết quả điều tra của Bloomberg. Nông dân đã trữ lại 48% lượng cà phê tính đến cuối tháng 4, hãng Nedcoffee BV cho biết hôm 18/5. Theo kết quả điều tra của Bloomberg thì tỷ lệ này là 42%.
Trong khi xuất khẩu của Việt Nam giảm 40% trong 5 tháng đầu năm nay (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) thì xuất khẩu của Brazil – nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 2 thế giới – lại gia tăng, đạt 7,1 triệu bao (426.000 tấn) trong 12 tháng tính tới tháng 4, từ mức 4,1 triệu bao một năm trước đó (theo Rabobank International).
Các nhà phân tích của Rabobank cho rằng: “Việc nông dân Việt Nam hạn chế bán cà phê ra từ đầu niên vụ (bắt đầu từ tháng 10) trái ngược hẳn với xu hướng Brazil bán ra mạnh loại conilon (robusta của Brazil)”.
Bộ phận nghiên cứu về Nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn giảm hơn nữa từ nay tới cuối năm nếu giá không vượt qua 40.000 đồng/kg. Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định trong niên vụ 2015/16 sẽ có hai yếu tố đáng lưu ý: thời tiết bất thường và năng suất hồi phục, và sản lượng dự báo sẽ đạt 28,67 triệu bao (1,72 triệu tấn).
El Nino gây khô hạn
Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay cộng với nguồn thu nhập bổ sung từ các cây trồng khác như hồ tiêu và quả thanh long đã giúp người trồng cà phê có thể giữ cà phê lại khi giá giảm, theo Simexco, hãng sản xuất cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam.
Sản lượng cà phê niên vụ tới rất có thể sẽ giảm bởi El Nino gây khô hạn. Cà phê Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do khô hạn kéo dài, theo nhận định hồi tháng 5 của Commodity Weather Group. Nếu khô hạn làm giảm sản lượng, những người găm giữ lại hàng lúc này sẽ được hưởng lợi từ giá tăng trong tương lai.
Theo cơ quan dự báo thời tiết, các khu vực miền Trung có thể sẽ trong tình trạng lượng mưa dưới trung bình cho đến tận tháng 8. Nhiệt độ trung bình trong mùa hè năm nay sẽ cao hơn khoảng 0,5oC đến 1oC so với mức trung bình, và mức nước ở các sông có thể giảm xuống thấp hơn 60% so so với mức trung bình ở khu vực Tây Nguyên.
Theo thông tin Chính phủ, lượng mưa ở Dak Lak tới nay thấp hơn 30% so với mức trung bình. Ông Hùng Anh của công ty Anh Minh Co. cho rằng nếu thời tiết cải thiện trong tháng 6 này thì giá sẽ chịu áp lực giảm thêm nữa và tồn trữ sang vụ tới sẽ còn cao hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]