Ông đang thực hiện giấc mơ đóng những chiếc tàu vỏ thép đánh cá ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Kiểm tra độ chống chịu của tàu
Ngư dân ấy có tên Võ Văn Thụ, 48 tuổi, hiện là Giám đốc Cty Đóng tàu biển Cửa Việt, huyện Gio Linh. Phòng làm việc của ông Thụ được kết nối intenet và camera để bao quát hết cả khu vực đang đóng và sửa chữa tàu.
Khu vực ấy luôn nhộn nhịp với hơn 10 chiếc tàu gỗ, có chiếc đang đóng, có chiếc hoàn thành, còn chiếc tàu sắt hơn 2.000 tấn của tỉnh Thái Bình cũng ghé vào sửa chữa.
Chi tiết đầu tiên của chiếc tàu vỏ thép dài 35 m được ông Thụ triển khai đóng tại Cty của mình
Bây giờ với ông Thụ, chiếc máy vi tính giúp ông cập nhật, tổng hợp được tất cả những thành quả đóng tàu, đánh cá trên biển Đông của từng loại tàu cá của các nước cũng như sự cố mà các tàu gặp phải trong từng cấp gió, cấp sóng để ông áp dụng vào thực tiễn nghề đóng tàu biển của mình ngày càng hoàn thiện hơn.
Vừa điều khiển anh em đóng tàu, ông Thụ nhớ lại những tháng ngày làm ngư dân đi biển của mình. 10 tuổi đã theo cha đánh cá trên biển Cồn Cỏ, 11 tuổi được đi đến Vịnh Bắc Bộ, 15 tuổi đã trở thành tài công nổi tiếng của cả vùng biển miền Trung.
Ông nói đánh cá ngày đó như kiểu gà què ăn quanh quẩn sân nhà. Tàu thuyền bằng gỗ, công suất nhỏ nên chỉ đánh cá được trong điều kiện thời tiết trên biển rất tốt, biển yên, sóng lặng. Còn trở gió một tí là ngư dân phải chạy trốn vào bờ ngay.
Tàu nào có công suất mạnh hơn thì ra đến Vịnh Bắc Bộ, nhưng mà cũng chỉ đánh cá trong điều kiện thời tiết tốt mà thôi. Nghe gió lên là tàu của ngư dân mình bỏ về bờ, tàu của Trung Quốc cứ thế vươn tới, vào biển Việt Nam đánh cá thoải mái. Tàu Trung Quốc là tàu vỏ thép, to và dài đến 30 m, lớn gấp mấy lần tàu gỗ Việt Nam.
Ông Thụ nói khi ấy nhìn thấy tàu Trung Quốc mà thèm và mơ ước biết khi nào mình có tàu gỗ, tàu vỏ thép to như tàu Trung Quốc để ra được khơi xa thuộc ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Cái ngày đó cách nay đã 30 năm!
Trở về, ông Thụ không chịu chấp nhận luẩn quẩn ở biển miền Trung, quyết định tự mình đóng tàu lớn hơn để ra biển Đông đánh cá trong thời tiết có gió cấp 5.
Ba lần tàu bị sóng đánh chìm, thoát chết trong gang tấc càng giúp ông hiểu hơn được đánh cá trong thời tiết biển động và thiết kế đóng những chiếc tàu như thế nào là an toàn, phù hợp trong điều kiện gió lớn hơn.
Bỏ công sức để sống trên biển Đông lâu ngày với thời tiết bất thuận để kiểm tra độ chịu đựng của từng loại tàu cá nên ông biết đâu là vùng biển nông, đâu là biển sâu thường có sóng to gió lớn để điều chỉnh từng chi tiết, bộ phận của chiếc tàu cho phù hợp.
Ông Thụ đang chỉ đạo thợ đóng tàu vỏ gỗ công suất 400 CV
Với những chiếc tàu công suất dưới 400 CV chỉ chịu được gió cấp 5 trên biển, nhưng không thể đánh cá trong điều kiện thời tiết ấy được. Muốn đánh cá và làm giàu với nghề cá phải đóng được những chiếc tàu to hơn rất nhiều.
Bởi vì chiếc tàu vừa phải an toàn như ngôi nhà của ngư dân trên biển, vừa tiết kiệm chi phí, nhưng lại vừa hiệu quả kinh tế, chỉ có ngư dân trực tiếp đi biển mới hiểu hết những điều họ đang cần gì ở chiếc tàu đánh cá của mình.
Dạy nghề đóng tàu
Những ngày sống trên bờ, ông Thụ lăn lộn khắp các nhà máy đóng tàu trong Nam ngoài Bắc học nghề đóng tàu. Ban đầu, ông đóng tàu có công suất vừa phục vụ bà con ngư dân đánh cá ven biển.
Khát khao đóng được tàu to để ra biển lớn Hoàng Sa và Trường Sa, năm 2005, ông thành lập công ty đóng tàu Cửa Việt, thường xuyên có hơn 20 thợ kỹ thuật tay nghề cao, đủ điều kiện đóng tàu vỏ thép.
Gần 10 năm nay ông đã đào tạo hơn 100 thợ sửa chữa và đóng tàu cho miền Trung. Học nghề khoảng 2 năm mỗi người thợ có thể làm được từng công việc cụ thể khi được giao.
Ông Thụ cho biết đặc thù của mỗi vùng biển mà thiết kế thân tàu và phần đáy tàu nhọn hay bằng cho phù hợp. Ở những nơi biển sâu, thuận lợi hơn cho tàu đáy nhọn. Nhưng ở biển Cửa Việt, luồng lạch cạn vì bị cát bồi thì những chiếc tàu đáy nhọn tuy chạy nhanh hơn nhưng hay bị chìm khi vào bờ. Ba chiếc tàu đã chìm ở Cửa Việt trong những năm qua đều là tàu có thiết kế đáy nhọn.
Theo kinh nghiệm của mình, ông nói tùy từng địa phương mà đóng các loại mẫu tàu khác nhau như tàu lưới rê, lưới kéo, lưới vây, chụp mực và câu cá ngừ cho phù hợp. Mỗi một địa phương có đặc thù vùng biển và khai thác riêng nên mẫu của tàu cũng không nên áp đặt mà phải linh hoạt.
Thời gian trung bình đóng hoàn thành mỗi tàu vỏ gỗ công suất 300 - 400 CV mất 3 tháng, mỗi kíp đóng 3 - 4 chiếc, còn đóng tàu vỏ thép mỗi chiếc mất 4 tháng. Mỗi năm ông Thụ đóng được hơn 10 chiếc tàu đánh cá cho khu vực miền Trung.
Với tàu gỗ công suất 400 CV thì phải cần đến 100 m3 gỗ kiền, táu hoặc trò. Ngư dân ai cũng muốn đóng tàu to nhưng không có tiền. Bởi vì đóng mỗi chiếc tàu gỗ công suất 400 CV phải đầu tư hơn 3 tỷ đồng.
Nhưng ông Thụ thẳng thắn chỉ ra cái hạn chế của tàu 400 CV là chỉ đánh cá được vùng biển Vịnh Bắc Bộ khi thời tiết tốt, không đánh cá được trong điều kiện gió cấp 6, cấp 7. Vì những chiếc tàu này nhỏ và ngắn dưới 25 m.
Còn nếu thời tiết bình yên, ra biển gặp cá chỉ đánh trong một tuần phải quay về, do tàu nhỏ, không còn chỗ chứa cá... nên ngư dân ta làm mãi mà không giàu có là vậy. Trong lúc đó biển Đông của mình cá rất nhiều thì để tàu mấy ngàn tấn của nước ngoài vào khai thác.
Ông Thụ cho biết mỗi lần có gió cấp 6, cấp 7 ông ở trên biển Hoàng Sa và Trường Sa nhìn thấy rất ít bóng dáng tàu cá Việt Nam hoạt động, lòng buồn rười rượi. Tàu mình quá nhỏ không chịu nổi sóng lớn.
Là người suốt đời sống với biển Đông, ông Thụ không chấp nhận ngồi bó tay với đội tàu mỗi chiếc có công suất 400 CV của mình .
Tàu vỏ thép 1.100 CV với 30 ngày trên biển
Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.
Đây là điểm tựa để ngư dân và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép công suất lớn, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại để nâng cao hiệu quả SX, tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lần này, ông Thụ xin vay vốn theo Nghị định 67 để đóng một chiếc tàu vỏ thép, có thể nói là sẽ to nhất và lớn nhất trong số những tàu vỏ thép ra đời từ chủ trương này.
Kinh nghiệm đi biển cùng kiến thức cập nhật hàng ngày giúp ông Thụ đóng được tàu phù hợp
Tàu của ông có trọng tải 250 tấn, công suất 1.100 CV, máy tàu được Nhật Bản sản xuất, tàu dài đến 35 m, rộng 7,5m, cao 3,3 m, thép đáy dày 15 mm. Tàu được thiết kế một máy đẩy chính, hai máy phát điện... đảm bảo quá trình vận hành con tàu an toàn dài ngày trên biển.
Con tàu trị giá 15 tỷ đồng, trong đó ông xin vay Nhà nước 10 tỷ đồng. Với tàu vỏ thép 1.100 CV sẽ đánh cá được trong điều kiện gió cấp 6 và cấp 7 ở Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian ở lại trên biển được 30 ngày, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Tiền chưa vay được nhưng ông Thụ đã khởi công đóng mới con tàu vỏ thép.
Ông Thụ mong muốn Nhà nước nên quy định rõ người vay vốn theo Nghị định 67 phải đóng tàu vỏ thép công suất và trọng tải lớn mới đánh cá được trên biển Đông thì Nghị định mới thực sự có giá trị.
Còn không cứ đóng tàu vỏ gỗ, vỏ thép công suất 400 CV thì chỉ đánh cá được ở Vịnh Bắc Bộ, như vậy sẽ rất tốn kém mà hiệu quả kinh tế sẽ thấp.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]