Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, sản lượng cá tra hằng năm của ĐBSCL đạt 1,2 – 1,5 triệu tấn nguyên liệu, giá trị XK đạt đến 1,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao trong XK thủy sản của cả nước. Đồng Tháp là tỉnh có sản lượng cá nguyên liệu cũng như kim ngạch XK cao nhất của khu vực này.
Tuy nhiên, ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp vẫn tỏ ra rất lo lắng. Theo ông Lai, khi Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và XK cá tra có hiệu lực từ 20/6/2014, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ngay lập tức có những phản ứng tiêu cực về NĐ này. “Họ cho rằng quy định về hàm lượng nước không quá 83%, tỷ lệ mạ băng không quá 10% và kiểm soát giá sàn thu mua cá nguyên liệu là điều không nên quy định. Phản ứng của VASEP là quá vô lý và không có lợi đối với ngành sản xuất cá tra”, ông Lai nhận xét.
Ông Lai phân tích từ thực tế: Trước khi có NĐ 36, trong hoạt động XK, các DN luôn cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá mua nguyên liệu, hạ giá bán sản phẩm ở thị trường nước ngoài và chậm thanh toán tiền cho người nuôi, mặc dù người nuôi cá bị lỗ. Tình trạng này diễn ra phổ biến nhiều năm qua khiến nền sản xuất và XK cá tra bị đình đốn, gây thiệt hại cho kinh tế đất nước…
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú (An Giang), ông Nguyễn Hữu Nguyên, cho rằng, hiện các DN chế biến có vùng nguyên liệu chiếm đến hơn 60% sản lượng cá tra của cả nước. Như vậy, khi cá tra lên giá, DN thường tự vớt cá của mình lên chế biến. Ngược lại, khi cá nguyên liệu rớt giá, họ mới mua cá của nông dân. Như vậy, nông dân đương nhiên bị loại khỏi chuỗi giá trị và SX sẽ lỗ vốn.
“NĐ 36 ra đời có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thiết lập lại một trật tự mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cá tra. Đây không chỉ là kỳ vọng của cộng đồng người nuôi, mà cả của các DN chế biến, XK hoạt động chân chính và người tham gia trong chuỗi SX. Đồng thời, NĐ là cơ sở pháp lý cần thiết để nhà quản lý điều hành SX theo hướng hiện đại, gắn kết trách nhiệm giữa người nuôi cá và DN. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT nên sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ càng nhanh càng tốt”, ông Lai đề xuất.
Còn ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, Nhà nước không nên hỗ trợ các DN vừa chế biến vừa tự nuôi mà nên có chính sách hỗ trợ cho nông dân thông qua giá nguyên liệu thức ăn. Đồng thời, có giải pháp liên kết nông dân thành các HTX nuôi trồng thủy sản nhằm SX đáp ứng nhu cầu chế biến, nuôi trồng theo tiêu chuẩn của thị trường.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]