Cơ hội mới, thách thức cũ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều triển vọng mới về đầu tư, thương mại, việc làm... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới là những thách thức cũ về sức ép cạnh tranh hay sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trên sân chơi này.
Sự tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập thông qua các hiệp định FTA, TPP với mức thuế suất giảm về 0% với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ làm cho hàng hóa từ các quốc gia trong khu vực cũng như thế giới có cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Khi AEC được hình thành, khoảng 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% và 10% số thuế còn lại sẽ về 0% đến năm 2018. Điều này đang làm dấy lên lo ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm phát triển thị trường.
Đánh giá về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập AEC, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định, hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN góp phần giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế so sánh và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có.
ASEAN là 1 thị trường chung rộng lớn, cơ hội xuất khẩu cũng như phát triển sản xuất lớn. Bên cạnh đó, thông qua các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Không những thế, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong thời gian tới sẽ giúp cho Việt Nam thu hút nhiều lao động có tay nghề từ các nước khác, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn và tạo ra nhiều công ăn việc làm.
“Cơ hội không tự đến mà đòi hỏi chúng ta phải chủ động nắm bắt. Ngược lại, thách thức luôn tự xuất hiện; những thách thức này bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng, pháp lý, nguồn nhân lực còn yếu kém…” – Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.
Ngành bán lẻ lo “mất sân nhà”?
Nhận định về những ngành sẽ gặp thách thức lớn khi AEC được hình thành, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, lĩnh vực gặp cạnh tranh lớn nhất khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ là ngành bán lẻ, cụ thể là lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng.
Ông Sơn dẫn chứng, hiện tại các doanh nghiệp phân phối bán lẻ của nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp của Thái Lan đang cố gắng tiếp cận thị trường bán lẻ của Việt Nam. Hàng hóa của các nước ASEAN, trong đó có hàng hóa của Thái Lan sẽ xâm nhập mạnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày càng gia tăng và có xu hướng ưa dùng hàng ngoại vì chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Do đó, trong thời gian tới, ngành bán lẻ sẽ là ngành đầu tiên “gặp khó” khi AEC được thành lập.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, trong số các các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.
Điểm lợi thế trong cạnh tranh hàng hóa của Thái Lan là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, Thái Lan cùng với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc.. cũng đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Cùng chung quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng dự báo, ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ là ngành chịu tổn thương nhiều nhất khi AEC được hình thành.
“Thách thức lớn nhất khi AEC thành lập là việc các nước ASEAN thâm nhập thị trường, coi Việt Nam như cứ điểm của họ. 52% doanh nghiệp Thái Lan cho biết cơ hội lớn nhất của họ là ở thị trường nội địa của Việt Nam. Họ sẽ đi vào Việt Nam bằng hai chân, một là siêu thị lớn, hai là cửa hàng tiện ích nhỏ - thị trường truyền thống của Việt Nam” - bà Lan lo ngại.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi AEC chính thức hoạt động với thuế suất giảm bằng 0% thì thị trường nội địa sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, ông Doanh cho biết, tại TP.HCM hoa quả Thái Lan đã tràn ngập thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập rau quả của Thái Lan lên đến 132 triệu USD. Thậm chí, nhiều gia đình còn ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay gạo Việt Nam vì sợ gạo Việt Nam có hóa chất.
“Khi AEC được hình thành, nhiều sản phẩm của Thái Lan, Indonesia… sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%. Các nước này đang có những nỗ lực rất lớn trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Do vậy, nếu không chuẩn bị tốt, Việt Nam sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, thậm chí người Việt Nam sẽ có nguy cơ phải làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài” – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]