Khách hàng mua sắm quà nhân dịp lễ giáng sinh tại cửa hàng Target, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Sự quyết tâm cùng với những nỗ lực vượt bậc của thế giới có thể chưa đủ để làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2013 được đánh giá là năm “bản lề” đối với nền kinh tế thế giới bởi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu được xem là đã chạm đáy, mức tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Mỹ khiến Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) có thể ngừng chương trình kích thích kinh tế, trong khi chương trình cải cách của Nhật Bản bước đầu đạt kết quả tích cực...
Sự chuyển mình theo hướng tích cực của một số nền kinh tế sau khủng hoảng khiến các chuyên gia thừa nhận hiện có thể là thời điểm “chuyển giao” của nền kinh tế thế giới, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng kéo dài nhất trong gần một thế kỷ qua để trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Đầu năm 2013, hầu hết các định chế tài chính lớn trên thế giới đều nhận định không mấy lạc quan về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.
Kinh tế châu Âu được dự báo tiếp tục ảm đạm trong khoảng 2-3 năm nữa, tăng trưởng thậm chí vẫn âm trước khi có thể tăng nhẹ vào năm 2014.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là hoạt động kinh tế của châu Âu nói chung và Khu vực đồng euro (Eurozone) nói riêng đã có những dấu hiệu đáng mừng, khiến chính những định chế tài chính trên phải điều chỉnh dự báo.
Eurozone chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2013 tăng 0,3%.
Sự kiện này đã chấm dứt đợt suy thoái kinh tế suốt sáu quý liên tiếp của Eurozone, đánh dấu thời kỳ bắt đầu phục hồi của khối này.
Dự báo, Eurozone có thể đạt mức tăng trưởng 0,9% vào năm 2014, trong đó Đức vẫn là đầu tàu kinh tế với mức tăng 1,4%.
Ireland, một trong những thành viên Eurozone phải viện đến gói cứu trợ quốc tế, đã tuyên bố thoát khỏi chương trình cứu trợ và hiện được coi là quốc gia có triển vọng phục hồi nhất trong số các nước rơi vào khủng hoảng tại khu vực.
Cùng với lòng tin của giới đầu tư gia tăng, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy đều được các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế nâng mức xếp hạng. Mặc dù mức tăng trưởng chưa đáng kể, song "lục địa già" đã thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm trong hai quý cuối cùng của năm 2013.
Quyết định của Fed giảm lượng tiền kích cầu vào nền kinh tế Mỹ có lẽ là lời khẳng định rõ ràng nhất về sự cải thiện của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Với tốc độ tăng trưởng dự báo 1,7% trong năm nay, Mỹ được xem là về đích với kết quả ngoài mong đợi.
Ấn tượng nhất là mức tăng trưởng 3,6% GDP, tạo gần 600.000 việc làm trong quý 3/2013 với lòng tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp đều được cải thiện. Mặc dù tốc độ này có thể bị ảnh hưởng trong quý 4 do các cơ quan chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần hồi tháng 10 do mâu thuẫn về mức trần nợ công, song dự báo GDP của Mỹ vẫn tăng 1,7% và có thể đạt mức 2,6% trong năm 2014.
Nhật Bản được đánh giá là đang trở lại đà tăng trưởng với tốc độ GDP dự báo đạt gần 2% trong năm nay. Không chỉ lấy lại đà phục hồi ngay từ nửa đầu năm, nền kinh tế Xứ sở Mặt Trời mọc xuất hiện những dấu hiệu tích cực nhờ học thuyết Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe.
Sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cho dù vẫn là một câu hỏi lớn bởi những ảnh hưởng từ nhu cầu bên ngoài và những điều chỉnh kinh tế trong nước thời gian tới, song trước thềm năm mới, người dân Nhật Bản có thể tự tin hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi nền kinh tế này được dự báo có thể rơi vào cuộc suy thoái thứ 5 trong vòng 15 năm do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu cũng như hậu quả của thảm họa động đất-sóng thần năm 2011.
Mặc dù mức tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) không bằng năm ngoái, song không thể phủ nhận những gì nhóm này đạt được trong năm 2013 vẫn được coi là động lực của sự tăng trưởng toàn cầu.
Dự báo, mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 và năm 2014 lần lượt là 7,6% và 7,3%, trong khi Ấn Độ là 3,8% và 5,1%.
Mặc dù những dấu hiệu tích cực trên khiến dư luận lạc quan hơn về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2014, song trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
Chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ công có thể khiến lục địa này rơi vào tình trạng nghèo đói kéo dài khi thất nghiệp vẫn ở mức báo động hơn 12%.
Việc Fed ngừng chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài, đồng thời có thể đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi. Đó là chưa kể một loạt yếu tố tiêu cực khác như hệ thống ngân hàng còn yếu, thực lực kinh tế của Eurozone chưa ổn định.
Tất cả điều đó đều có thể khiến nền kinh tế thế giới chệch khỏi đà phục hồi vẫn còn mong manh.
Theo Phương Hoa - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]