Quy định mới này được các chuyên gia nhìn nhận không chỉ gây khó khăn cho các mặt hàng cá basa hay cá da trơn của các nước, trong đó có Việt Nam, nhập khẩu vào Mỹ mà còn tác động tới cả các nhà sản xuất mặt hàng thủy sản này của Mỹ.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của ông John Sackton, chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp thủy sản, cho biết, với các quy định sắp áp đặt, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, thậm chí hàng ngày, trực tiếp tại các nhà máy chế biến thịt và hải sản, so với các cuộc giám sát, kiểm tra ngẫu nhiên mà hiện nay do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) tiến hành.
Quy định này khi được áp đặt, trước hết các nhà sản xuất cá da trơn ở Mỹ có thể cũng sẽ gặp khó khăn vì phải chi thêm hàng triệu USD để tuân thủ những quy định mới. Ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ chủ yếu tập trung ở các bang miền nam như Alabama, Arkansas, Mississippi và Texas.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong vài năm qua, vì nhiều lý do, diện tích nuôi trồng cá da trơn của Mỹ đã bị thu hẹp, từ khoảng 65.000 ha năm 2008 xuống chỉ còn một nửa, khoảng 23.000 ha.
Các nhà sản xuất Mỹ nói rằng họ phải giảm diện tích nuôi trồng vì giá ngô, nguồn thực phẩm chính để nuôi cá, trong vài năm qua tăng giá khá cao. Năm 2008, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế “bán phá giá” đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Một số nhà lập pháp Mỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain và Thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen, từng mô tả kế hoạch chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Mỹ là “lãng phí và chỉ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá da trơn nội địa”./.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]