Chăn lông thú được bán nhan nhản trên thị trường với nhiều chủng loại và giá thành. Ảnh: M.H
Lạc vào ma trận… chăn
Trong vai người đi mua chăn lông cừu, chúng tôi như bị lạc vào ma trận chăn mà không biết đâu là hàng xịn. Cùng là chăn lông cừu nhưng có rất nhiều chủng loại khác nhau: chăn lông cừu Tôkyô Nhật Bản, chăn lông cừu ba lớp xuất khẩu, chăn lồng cừu 2 lớp xuất khẩu, chăn lông cừu Burberry, chăn lông cừu Calvin Klein, chăn lông cừu Hàn Quốc, chăn lông cừu Úc… Giá mỗi loại chăn chênh nhau từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc. Duy nhất có chăn lông cừu Úc Luxury có giá “chát” nhất lên đến 5 triệu đồng/chiếc và đây là loại chăn có khách đặt mới được chủ hàng nhập về.
Đến cửa hàng chăn trên phố Chùa Bộc (Hà Nội) ngỏ ý muốn mua chăn lông cừu, chị chủ hàng đon đả: “Chị có chăn lông cừu Nhật Bản 1,7 triệu đồng/chiếc và chăn lông cừu xuất khẩu EU 1,2 triệu đồng/chiếc, em chọn loại nào?”. Khi xem chiếc chăn lông cừu xuất khẩu EU, chúng tôi thấy giống hệt chăn lông cừu Trung Quốc vừa xem tại một cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch với giá 800.000 đồng/chiếc. Chúng tôi thắc mắc thì chị chủ hàng giải thích: “Chỉ giống nhau về mẫu mã thôi, dùng rồi mới thấy chất lượng khác hẳn nhau”. “Tem nhãn cũng giống nhau, trên chiếc chăn này cũng có chữ Trung Quốc”, chúng tôi vặn vẹo. “Cùng chữ Trung Quốc nhưng đây là Trung Quốc trung ương xuất đi châu Âu(?), còn chăn của họ là chăn đại trà, đắp vài tháng là bị xô dáng, rụng lông, so làm sao được. Chị bán hàng là người thật, hàng thật, em không tin thì thôi”, chị bán hàng tỏ ra khó chịu.
Một loại chăn mới xuất hiện trên thị trường và đang cạnh tranh khá gay gắt với chăn lông cừu là chăn lông thỏ. Cũng đều quảng cáo là chăn lông thỏ cao cấp nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản nhưng ở mỗi cửa hàng lại có giá khác nhau. Tại cửa hàng chăn số 10 Ngọc Khánh có giá 2,9 triệu đồng/chiếc; cửa hàng số 93 Hồ Tùng Mậu bán 2,520 triệu đồng/chiếc; cửa hàng chăn ga - gối - đệm trên phố Tôn Đức Thắng lại là 2,3 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, cũng chiếc chăn đó tại cửa hàng chăn trên phố Hoàng Công Chất chỉ có giá 2,050 triệu đồng/chiếc…
Hầu hết, các chủ cửa hàng đều có cách quảng cáo khá hay cho loại chăn lông thỏ và sau khi nghe khách hàng không còn muốn mua chăn lông cừu nữa. Anh Vũ Văn Minh, chủ cửa hàng chăn ga- gối- đệm trên phố Cầu Giấy cho biết: “Chăn lông cừu một mặt mịn, một mặt xù, mặt xù rất dễ bị rụng lông sau một thời gian sử dụng. Còn chăn lông thỏ cả hai mặt đều mịn. Chăn to, dạng phao rất nhẹ nhưng ấm tuyệt đối, không hút ẩm nên không có mùi ngay cả khi trời nồm cả tháng, chống cháy, chống nhăn, chống xẹp, chống kéo dãn...”.
Gắn tên sang để “phang” khách sộp?
Có thể nói mùa đông năm nay, mốt chăn lông cừu, lông thỏ đang được tiêu thụ rất mạnh. Từ các cửa hàng chuyên về chăn, ga, gối, đệm cho đến các sạp hàng không chuyên, từ chợ cóc đến cửa hàng mặt phố hay trên các trang mạng xã hội đều rao bán nhan nhản các loại chăn này.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì loại chăn này không phải làm bằng lông thú như nhiều người lầm tưởng. Chị Tạ Thị Ngọc, chủ cửa hàng chăn trên phố Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy) thật thà: “Chăn lông cừu hay lông thỏ thì cũng chỉ là cái tên gọi thôi. Thực chất ngay cả những chiếc chăn được quảng cáo là cao cấp, nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đều làm bằng sợi tổng hợp, nhân tạo, không phải lông tự nhiên. Gọi là lông cừu, lông thỏ cho sang chứ lông cừu thật, lông thỏ thật thì làm gì có giá này”.
Các tiểu thương cũng bật mí rằng, phổ biến trên thị trường vẫn là chăn lông cừu được gọi là “hàng xuất khẩu” có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loại chăn này được bán với nhiều loại giá, vì thế trên các diễn đàn xã hội không ít người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng của sản phẩm này và cho rằng sản phẩm không xứng với giá tiền. Chẳng hạn có người ca thán rằng, chăn lông cừu gì mà mới giặt một lần đã xẹp, lông rụng và vón cục không còn tơi xốp như ban đầu. Hay, mới đắp được vài tháng chăn bị xô lệch, mất phom, bị lông dính vào quần áo…
Vì vậy, khi chọn chăn, người tiêu dùng cần chọn loại có chất lượng tốt, mua ở địa chỉ uy tín. Chăn xịn thì đường may cũng như bao bì được in ấn cẩn thận. Chăn nhái thì chỉ được đựng trong một chiếc túi đơn giản. Người tiêu dùng nên mua loại chăn dày, không nên mua loại mỏng vì dễ bị hư hỏng, sợi lông mỏng rất dễ bị bết dính và xẹp, sẽ không còn giữ được nhiệt trong quá trình sử dụng.
Bà Trần Thị Hồng Anh, chủ cửa hàng chuyên về chăn đệm trên phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) chia sẻ:“Ai đặt ra cái tên lông cừu, lông thỏ mới là tài. Nhờ cái tên này mà chăn có giá, đắt hàng hẳn vì rất nhiều người thích cái tên đó. Nghe cái tên chăn lông cừu đã thấy nó ấm hơn mấy phần rồi”. Cũng theo bà Hồng Anh, những loại chăn này đắt hàng còn vì nó rất nhiều mẫu mã, màu sắc… đáp ứng được mọi đối tượng, sở thích khác nhau.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]