Người bán hàng rong cũng phải viết "bài thu hoạch"
Theo Thông tư liên tịch số 13/2014 về phân công quản lý an toàn thực phẩm giữa ba Bộ là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có hiệu lực từ ngày 26/5), thì chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh sẽ phải trải qua kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm, phải trả lời được 80% câu hỏi ở hai phần kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành mới được cấp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại, với quy định trên, làm sao để đảm bảo tính khả thi, khi đặc thù ở Việt Nam có hàng vạn hộ bán cơm bụi, hàng ngàn người bán hàng rong? Nếu những đối tượng này cũng thuộc diện phải lấy giấy xác nhận thì rất khó khả thi.
Để đáp ứng một trong những điều kiện cần và đủ, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì chủ cơ sở sẽ được mời đến chính quyền địa phương học kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội cho biết: "Từ một tháng nay, Chi Cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã triển khai, tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở.
Thực tế, từ trước đến nay, theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn, thì chủ cơ sở, những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm sẽ phải trải qua lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm và kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Đó là một trong những điều kiện cần và đủ đi kèm với các điều kiện khác (thẩm định cở sở) thì cơ sở đó mới được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với quy định tại Thông tư số 13/2014, sau một đợt triển khai, tập huấn xong thì phải có bài thu hoạch là hướng tới mục tiêu thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Nếu chưa đạt thì, chủ cơ sở kinh doanh phải học lại, thi lại cũng là bình thường".
"Thông tư cũng nêu, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ là các cơ quan đầu mối, tổ chức việc cấp giấy xác nhận", ông Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, việc tập huấn kiến thức, hướng dẫn cho dân biết quy định về an toàn thực phẩm; giải thích cho người dân hiểu và thay đổi hành vi để khi chế biến thực phẩm họ biết cách làm an toàn hơn. Vì lâu nay vẫn tồn tại thực tế, thực phẩm ướp hàn the, rau vừa phun thuốc trừ sâu hôm trước, hôm sau đã được đem bán ngoài chợ.
Người bán hàng rong phải trai qua kỳ thi kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được tiếp tục buôn bán.
"Thí sinh" bức xúc
Từ khi có thông tin về cuộc thi này, những tưởng những người bán hàng rong sẽ phải lo sốt vó để "đi học". Thế nhưng không, qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, nhiều hàng rong vẫn không hề biết về thông tin các khóa học hay chuyện thi cử. "Tôi không biết" đó là câu trả lời của hầu hết những chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các hàng quán vỉa hè khắp Hà Nội theo khảo sát của phóng viên CSTC khi Thông tư liên tịch số 13-2014 chưa đầy chục ngày nữa là có hiệu lực, đồng thời cũng không ai cho biết mình nhận được thông báo gì từ UBND phường liên quan đến vấn đề này.
Hầu hết họ đều cho rằng việc an toàn thực phẩm nên dừng ở việc tuyên truyền, thông tin tới từng địa phương là đủ.
Ngoài các gánh hàng rong, ngay cả các cửa hàng ăn tại chỗ dường như cũng rất thờ ơ với chuyện thi cử và đi học. Theo chị Giang, một chủ hàng bún ở phố Thái Thịnh cho biết: "Tôi mải bán hàng có để ý sách báo gì đâu. Với lại làm gì có thời gian mà đi học. Cả ngày tối mắt tối mũi với cái quán ăn này. Mà có đi học kiểu gì người ta chẳng bảo là phải đeo găng tay, hàng bán phải có nhãn mác đàng hoàng. Nhãn mác hàng hóa thì cứ kiểm tra đi thì biết, có đầy đủ cả. Ôi dào, quan trọng là người bán hàng có thực hiện không, chứ nếu đã muốn thực hiện thì kiểu gì họ chả biết là làm thế nào cho hợp vệ sinh, không mất an toàn thực phẩm".
Chị Hương, chủ một cơ sở chuyên bán phở (phố Hàn Thuyên, Hà Nội) cũng cho hay sau mỗi lớp học về an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi người phải đóng 200.000 đồng. Không những thế, kiến thức được học mang tính chất "cưỡi ngựa xem hoa", nên nhiều người cũng thờ ơ với lớp học này.
Còn chị Hà chuyên bán đồ ăn nhanh ở Nghĩa Tân cho hay: "Tôi cũng nghe nói đến lớp học về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thấy bảo phải đóng tiền, mà học lại như "cưỡi ngựa xem hoa" nên chẳng ai màng đến. Mà bảo có giấy xác nhận này mới được kinh doanh, nhưng ai đảm bảo là sau khi có giấy thì các cơ sở này sẽ bán hàng an toàn".
Nhiều người bán đồ ăn còn thờ ơ với lớp học về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phải xây dựng mô hình chuẩn
Có nhiều ý kiến cho rằng sẽ lại như quy định kiểu …bán thịt trong 8 giờ cách đây chưa lâu. Hoặc như thông tư 30 cũng của Bộ Y tế, có hiệu lực cách đây một năm với quy định người bán hàng rong phải khám sức khỏe và hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, có đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, đủ trang thiết bị và dụng cụ chế biến thực phẩm...
Những quy định đó, cái thì bị bãi bỏ, cái thì hoàn toàn bị rơi vào quên lãng khi không một cơ quan chức năng nào đủ thời gian đi kiểm tra, xử phạt những người bán hàng rong chưa được kiểm tra sức khỏe…
Và nếu quy định chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm, rồi từ đó cấm hay phạt những cơ sở chưa có loại giấy này kinh doanh thì vô hình trung tạo ra những cản trở “kép” đối với người dân. Và bắt buộc hàng vạn hộ bán cơm bụi, bún đậu mắm tôm vỉa hè góc chợ phải học và thi, phải có giấy chứng nhận nọ kia, thì e rằng nếu không bất khả kháng cũng “mở đường” cho tiêu cực phát sinh?
Thậm chí, nhiều người còn lo “giấy xác nhận được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm” sẽ lại trở thành một loại “giấy phép con”, gây khó khăn thêm cho những người nghèo bán hàng rong, trong khi không đem lại hiệu quả thực chất về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Có ý kiến cho rằng điều quan trọng để quản lý an toàn thực phẩm là tạo ra mô hình chuẩn nhưng Việt Nam chưa có. Nếu cứ hướng dẫn chung chung, người dân rất khó triển khai. Chẳng hạn như nếu có mô hình bún chả thế nào là sạch, an toàn thì những người bán bún chả cứ thế làm theo, còn không có mẫu chuẩn, cứ nói chung chung sẽ rất khó thực thi trong điều kiện người sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiến thức hạn hẹp, vệ sinh thực phẩm lại là vấn đề đa dạng.
Cũng có chuyên gia thì đưa ra kiến giải, quy định nên có tính phân loại đối tượng để thực hiện từng bước, tránh tình trạng cứ đặt ra quy định, sau đó không thực thi được, hoặc chỉ làm được một phần.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]