Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2015 lên đến 32,3 tỉ USD, tăng 12,5%, cao nhất từ trước đến nay. Tăng mạnh nhất là nhóm hàng sắt thép, kim loại, ôtô, phụ tùng và vật liệu dệt may, da giày...
Không chỉ các nguyên liệu đầu vào cho chế biến, ngay cả những sản phẩm mà VN có thế mạnh sản xuất là nông sản cũng nhập khẩu Trung Quốc ngày một nhiều.
Rau quả Trung Quốc tràn chợ
Càng gần đến Tết âm lịch, không khí tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) càng thêm nhộn nhịp. Hơn 10g ngày 2-1, dạo quanh khu vực thực phẩm khô như hành, tỏi, gừng... hàng Trung Quốc chất thành nhiều bao tải lớn, tràn ra cả lối đi, có vài chục nhân công đang bóc tách, sơ chế tỏi.
Chị Hạnh, một chủ sạp bán hàng tại đây, cho hay cận tết là thời điểm các loại gia vị Trung Quốc được nhập về nhiều. Bình thường mỗi đêm bán 50 - 70 bao, nhưng nay gần tết nhu cầu tăng gấp đôi. Chỉ riêng hành, tỏi mỗi đêm có sạp bán được vài tấn hàng, chuyển đi khắp các tỉnh chứ không riêng gì phân phối tại TP.HCM.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, tỏi Trung Quốc cũng được phân thành các loại bao tải lớn, tỏi chưa gia công giá 20.000 - 30.000 đồng/kg, loại lột sạch vỏ 40.000 - 50.000 đồng/kg, muốn lấy loại to nhỏ nào cũng rất dễ dàng, hàng dồi dào.
Đặt câu hỏi vì sao hàng Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, anh Hùng - tiểu thương ở chợ này - giải thích tỏi, gừng, hành bán lẻ không đáng kể, chủ yếu là xay nhuyễn hoặc làm sẵn bán cho các nhà hàng, quán ăn rất tiện lợi nên được ưa chuộng.
“Hàng Trung Quốc số lượng muốn bao nhiêu cũng có, kích cỡ to và đều, mua về là sử dụng được liền trong khi hàng trong nước thì giá cao, lượng hàng lại không ổn định. Dù là hàng Trung Quốc nhưng khi xay nhuyễn, bán cho các nhà hàng, quán ăn, khách đâu có biết tỏi, gừng xuất xứ từ đâu” - anh Hùng lý giải.
Bên cạnh mặt hàng gia vị, các mặt hàng rau củ từ Trung Quốc nhập về các chợ khá nhiều, thậm chí nhiều loại thời gian gần đây còn tăng lên như bắp cải, cà rốt, hành tây, cải thảo...
Đồ họa: Tấn Đạt
Tung hoành vì giá rẻ
Theo nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối Hóc Môn, sản lượng tăng mạnh là do giá những mặt hàng này rất rẻ, đều dưới 10.000 đồng/kg, thậm chí chỉ vài ngàn đồng. Số lượng nhiều, giá rẻ nên hàng Trung Quốc tràn lan ở các bếp ăn và sạp chợ lẻ.
“Nhu cầu của khách hàng nên không bán đâu có được” - chị Đỗ Thị Lành, tiểu thương chợ An Sương (Q.12), cho biết. Chị Lành giải thích bắp cải, cải thảo Trung Quốc chỉ có 7.000 - 8.000 đồng/kg, trong khi cải Đà Lạt cao hơn, cải Hà Nội có khi 30.000 - 40.000 đồng/kg nên hàng Trung Quốc vẫn dễ bán, bán được nhiều nhất.
Các loại trái cây như táo, lê, nho, hồng, lựu Trung Quốc cũng có giá rẻ, từ 10.000 - 30.000 đồng/kg nên rất hấp dẫn người bán lẻ.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2015, VN đã nhập khẩu 165 triệu USD các loại rau củ quả từ Trung Quốc, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là chưa kể tới một lượng lớn hàng nông sản Trung Quốc được đưa vào thị trường VN theo đường tiểu ngạch, chưa thể thống kê hết. Ngoài các loại trái cây ôn đới mà VN không trồng được, nhiều chủng loại nông sản mà VN đang sản xuất cũng được nhập khẩu về nhiều.
Hàng Trung Quốc không chỉ bán ở khu vực quanh các chợ đầu mối như trước mà lan đi khắp các tỉnh thành, đến các vùng sâu, vùng xa.
Với lợi thế giá rẻ chỉ bằng 30 - 50% hàng cùng loại trong nước, kích cỡ lại lớn rất dễ chế biến nên nhiều người tiêu dùng VN lựa chọn, nhất là ở các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể. Không chỉ rau củ quả, mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc cũng được nhiều công ty trong nước nhập về.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) trong năm 2015 khoảng 54,6 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ 2014.
Ôtô Trung Quốc bày bán trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng
Còn nhập dài dài
Theo ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, trong năm 2015 VN phải chi hơn 1 tỉ USD để nhập sản phẩm chất dẻo, trong đó có một số là bán thành phẩm nguyên liệu nhựa như màng BOPP trong lĩnh vực sản xuất bao bì, tai nghe dùng lắp ráp trong các sản phẩm điện tử gia dụng.
“Đã có doanh nghiệp nào sản xuất được đâu nên các doanh nghiệp FDI buộc phải nhập khẩu” - ông Việt Anh giải thích. Do ngành công nghiệp hỗ trợ của ngành nhựa còn quá yếu và quá thiếu nên theo ông Việt Anh, VN sẽ tiếp tục nhập khẩu cho nhóm ngành hàng này ít nhất 10 năm nữa.
Điều này cũng tương tự với ngành dệt may và da giày. Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), trong sáu chủng loại nguyên phụ liệu cần thiết phục vụ ngành sản xuất da giày như da thuộc, giả da, vải dệt, vải không dệt, cactông và đế giày các loại, khả năng tự chủ nguồn cung ứng nguyên phụ liệu trong nước vẫn rất thấp.
Chẳng hạn, nguồn nguyên liệu giả da, nhu cầu trong nước ước cần đến 210 triệu m2/năm nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 8,9 triệu m2/năm (tương ứng 4,2%), vải không dệt nhu cầu cần 92 triệu m2/năm nhưng khả năng cung ứng chỉ đạt 11,5 triệu m2/năm (tương ứng 12,5%)...
Một số chủng loại khác hầu như phải nhập toàn bộ từ Trung Quốc như thuốc nhuộm, hóa chất, phụ liệu trang trí...
“Khó có thể chuyển ngay việc tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ các nước khác vì không quốc gia nào sản xuất được với số lượng cực lớn, giá lại rẻ và đa dạng mẫu mã đến như vậy” - ông Kiệt thừa nhận.
Ông Kiệt phân tích thực trạng này sẽ duy trì ít nhất thêm hàng chục năm nữa nếu chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn ì ạch như hiện nay.
Với ngành dệt may, việc mỗi năm phải chi đến hàng tỉ USD nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, tốc độ năm sau luôn cao hơn năm trước cũng không nằm ngoài nguyên nhân: năng lực của khâu dệt nhuộm - hoàn tất vẫn còn rất yếu. Nguyên nhân do vốn đầu tư vào lĩnh vực này rất cao, thu hồi vốn lâu, nên không có doanh nghiệp tư nhân nào dám nhảy vào.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]