Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp kiểu một cửa hàng ngày kinh doanh hai, ba loại mặt hàng của nhiều chủ khác nhau. Sự kết hợp này chủ yếu diễn ra giữa các chủ kinh doanh ăn uống, nhằm chia sẻ gánh nặng thuê mặt bằng.
Tại phố Đền Lừ, Hoàng Mai, hình thức kinh doanh này rất phổ biến. Nhiều cửa hàng còn cho ba chủ thuê thành 3 ca bán các mặt hàng khác nhau trong ngày. Chị Thùy Linh, chủ quán bún đậu ở Lô 5 Đền Lừ cho biết, chị thuê theo giờ và chỉ phải trả tiền thuê mặt bằng là 3 triệu đồng/tháng với diện tích cửa hàng gần 40m2.
Theo chị Linh, thuê mặt bằng thông thường ở đây sẽ mất khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng đặc thù món bún đậu chỉ bán được vào buổi trưa, nếu thuê một mình một cửa hàng sẽ không trụ nổi, trong khi diện tích thì bỏ trống buổi sáng và buổi chiều đến tối. Để có thể có một vị trí kinh doanh đẹp lại rẻ, chị đã kết hợp cùng 2 chủ kinh doanh nữa.
“Chúng tôi đều kinh doanh nhỏ, đặc thù mỗi ngành hàng lại chỉ có thể bán được vào từng thời điểm khác nhau nên cùng chia sẻ tiền thuê mặt bằng”, chị Linh nói.
Thời gian được phân chia rõ ràng. Buổi sáng đến 9h30 mặt bằng được dành cho chủ kinh doanh bún miến phở, chậm nhất 10h kém 15 chủ cửa hàng miến phở phải trao trả cửa hàng cho chị, còn từ 10h đến 2 rưỡi chiều là thời gian dành cho quán bún đậu của chị.
Từ 2 rưỡi chiều chị phải trao trả cửa hàng cho chủ quán đồ nướng đề họ chuẩn bị bán hàng đêm. Số tiền chị và quán phở buổi sáng mỗi người phải trả là 3 triệu đồng/tháng. Còn chủ quán đồ nướng thời gian sử dụng kinh doanh nhiều hơn nên phải trả 5 triệu đồng/tháng. Tiền điện, tiền nước chia đều cho 3 chủ kinh doanh.
Cửa hàng này bán 3 mặt hàng vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
“Ở khu vực này nếu tìm được mặt bằng như thế này mà chỉ phải trả 3 triệu đồng/tháng thì rất khó, nên có lẽ chị sẽ gắn bó với hình thức kinh doanh này”, chị Thùy Linh nói.
Hay như nhà bà Hà, cũng ở khu phố này, trước đó bà chỉ dùng mặt bằng này bán trà đá kiếm thêm. Nhưng do khó cạnh tranh, bà quyết định cho thuê mặt bằng kinh doanh, mỗi tháng thu về 8 triệu đồng. 2 người kinh doanh đồ ăn thuê địa điểm chia nhau mỗi người chịu một nửa tiền thuê mặt bằng.
Chủ kinh doanh bán mì buổi sáng đến 11h trưa, ốc nóng bán buổi chiều tối từ 4h đến 11h đêm. Chỉ bỏ ra 4 triệu đồng/tháng để thuê được một vị trí đẹp, đông đúc có lẽ là một niềm mơ ước của nhiều người kinh doanh.
Còn Anh Phan Văn Sáng, chủ của chuỗi cửa hàng Lươn đồng Xứ Nghệ cho biết, anh có 4 cửa hàng kinh doanh miến cháo lươn ở Ngụy Như Kon Tum, Bắc Linh Đàm, Văn Khê, Xa La, trong đó có đến 2 cửa hàng thuê chung.
Ở Ngụy Như Kon Tum, anh thuê cửa hàng 40 triệu đồng/tháng còn ở Văn Khê, anh thuê cửa hàng đến 10h sáng, buổi chiều chủ cửa hàng kinh doanh bia. Mỗi tháng anh phải trả là 10 triệu đồng, trong khi đó nếu thuê cửa hàng cả ngày ở Văn Khê thì mức phí phải là từ 30- 40 triệu đồng/tháng.
Anh Sáng cho biết, ở những vị trí như Ngụy Như Kon Tum, Văn khê, địa điểm đẹp nên thuê được cả ngày là rất khó, trong khi đó mặt hàng này chủ yếu bán đông khách nhất vào buổi sáng. Ngoài việc thuê cả ngày, tiền thuê mặt bằng sẽ cao gấp 2, gấp 3 lần thì cửa hàng còn phải trả tiền cho nhân công và các chi phí khác. Do đó anh Sáng cho biết phát triển kinh doanh theo mô hình này sẽ rất có lợi.
Trên nhiều trang web, cũng có không ít quảng cáo tìm đối tác thuê chung cửa hàng. Ngoài những mặt hàng ăn uống thì còn có chung nhau thuê cửa hàng thời trang. Cụ thể hai bên hợp tác với nhau thuê cửa hàng để chia sẻ tiền thuê nhà và tiền thuê nhân viên, khách đến mua sản phẩm bên nào thì bên đó sẽ thu, không liên quan đến nhau nhưng có thể tận dụng khách của nhau.
Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng tồn tại nhiều phát sinh, và để duy trì được hình thức này không phải là điều dễ dàng. Nếu không cam kết, làm rõ ngay từ đầu thì khó có thể hợp tác kinh doanh lâu dài với nhau được. Đặc biệt là đặc thù kinh doanh mặt hàng ăn uống, ai cũng muốn kéo dài thời gian bán hàng, hàng quán bừa bộn, chuyện vệ sinh cửa hàng sau khi hết giờ…
Hình thức thuê chung giúp các chủ kinh doanh tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng.
Chị Thùy Linh cho biết, trước khi kinh doanh cùng 2 chủ kinh doanh phở và đồ nướng này, chị cũng đã thuê mặt bằng theo giờ cùng với một chủ quán khác. Với lần hợp tác trước, chị đã phải bỏ do chủ cửa hàng đồ nướng mỗi lần đến giờ thay ca đều không dọn dẹp, vệ sinh cửa hàng khiến chị rất bực bội. Nhất là khi kinh doanh theo giờ, thời gian được ví như vàng. Mặc dù thuê cửa hàng đó chị phải trả số tiền rẻ hơn, chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng những mâu thuẫn xảy ra với những người cùng thuê chung với nhau khiến chị không thể hợp tác tiếp.
Do đó, theo chị Thùy Linh, khi thuê cửa hàng theo hình thức này phải ghi rõ những điều khoản nhỏ trong hợp đồng. Chẳng hạn, giờ giấc phải phân chia rõ ràng. Ví dụ họ kinh doanh buổi sáng đến 10h trả lại cửa hàng cho mình thì yêu cầu họ phải tuân thủ đúng giờ, phải dọn dẹp sạch sẽ để trả lại mặt bằng cho mình bán buổi trưa. Vì kinh doanh theo giờ thời gian chuẩn bị không có nhiều, nếu đến thời điểm đó mới bắt đầu dọn cửa hàng thì rất ảnh hưởng đến việc buôn bán.
Mỗi người sau khi bán hàng xong phải dọn dẹp hết vật dụng riêng của mình. Còn những đồ dùng như bàn ghế, ống đựng bát đũa thì thống nhất chung nhau từ đầu. Ngoài ra tại cửa hàng sẽ có những khay đựng đồ riêng để tránh chung đụng làm mất đồ, hư hỏng đồ của nhau. Trong quá trình sử dụng, nếu những đồ dùng chung bị hỏng thì sẽ mua và tính tiền chia ba. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng khá chật chội nên bắt buộc một số đồ dùng như nồi niêu, xong chảo, chị phải đem về nhà, đến lúc bán lại chở ra cửa hàng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thì cách làm linh hoạt này có mặt tiêu cực là giá rẻ, tiện lợi, hiệu quả về mặt kinh tế trong điều kiện phí thuê khá đắt đỏ và kinh doanh khó khăn. Tuy nhiên, nó chỉ hiệu quả với tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, không phù hợp với doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, có nhu cầu quảng bá thương hiệu.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]