Ngoài Thanh Khê, DN này còn từ chối thu mua ớt, bí, nợ nông dân khá nhiều tiền tại nhiều địa phương khác trên địa bàn Nghệ An.
Người dân xã Thanh Khê (huyện Thanh Chương, Nghệ An) phản ánh, vụ xuân 2014, UBND xã Thanh Khê ép người dân trồng ớt. Hộ nào không trồng ngoài việc bị phạt, UBND xã còn từ chối giao dịch hành chính.
Ép dân trồng ớt
Một người dân trú tại xóm 6 (xin giấu tên) cho biết: “Từ trước đến nay, đất bãi bồi của xã Thanh Khê đều giành để trồng lạc, cho năng suất cao, dễ bán. Không hiểu sao, năm nay bỗng dưng xã ép dân phải trồng ớt?
Nhà tôi có 4 suất đất phải chuyển sang trồng ớt và đã nhập cho Cty Á Châu được 60 kg nhưng họ mới trả được 82 nghìn đồng. Từ đó đến nay, họ chẳng ngó ngàng gì đến nữa, mấy hôm trước, chúng tôi đem ớt đi nhập nhưng công ty không đến nên phải đem đổ. Không biết số tiền còn lại ai trả, giờ chúng tôi biết hỏi ai?”.
Theo nhiều hộ dân, do không chịu làm theo chủ trương của xã, họ đã bị cán bộ xã từ chối giao dịch hành chính. Anh Nguyễn Văn Trường, một hộ nghèo tại xóm 8 bức xúc: “Cán bộ xóm báo với dân, nếu không làm theo chủ trương của xã, thì vừa bị phạt 300.000 đồng/sào vừa bị xã từ chối giao dịch bằng con dấu, nên tôi phải lên xã nhận cây giống về trồng nhưng bị chết gần hết đành phá bỏ trồng lạc.
Hôm lên xã xin công chứng Giấy chứng nhận hộ nghèo để giảm tiền ăn trưa cho con học trường mầm non, cán bộ xã không giải quyết với lý do không chấp hành trồng ớt”.
Điều khiến người dân Thanh Khê không chịu chuyển đổi mô hình từ cây lạc sang ớt là do lạc trồng trên bãi bồi có hiệu quả kinh tế nhất. Trước đó (năm 2012), cây ớt đã được trồng thí điểm tại xóm 2 và xóm 9 nhưng không có đầu ra.
Tiếp xúc với phóng viên, các hộ dân đều thừa nhận, chủ trương này được đưa ra họp dân, bàn bạc để chuyển đổi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bề ngoài thì có vẻ dân chủ, nhưng trên thực tế bà con chưa nhất trí chủ trương, còn xã dùng con dấu ép dân phải làm.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, nguyên xóm trưởng xóm 7 xác nhận, việc cán bộ xóm và chính quyền xã ép dân trồng ớt là có thật. “Cây ớt không được người dân Thanh Khê đón nhận nhưng không hiểu động cơ nào khiến xã “tổng động viên” cả 10 xóm phải trồng?
Người dân không muốn làm nhưng sợ phạt tiền, sợ bị ngừng giao dịch hành chính nên đã làm đối phó. Theo tôi, muốn cây ớt cho hiệu quả kinh tế cao phải đảm bảo đầu ra ổn định dân mới dám làm”.
Ngược lại, ông Bùi Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê khẳng định dân rất phấn khởi vì cây ớt cho thu nhập cao (!?).
Khi phóng viên dẫn ý kiến phản đối của một vài trường hợp, vị Chủ tịch xã phân bua: “Xã ký văn bản ghi nhớ về việc trồng 18 ha ớt với Cty Á Châu, các xóm đều ký hợp đồng triển khai trồng và công ty thu mua 100% sản phẩm nhưng trên thực tế cả xã chỉ trồng được 10 ha do không đủ cây giống.
Không có chuyện xã ép dân trồng ớt, nhưng chúng tôi có chỉ đạo các xóm trước khi triển khai trồng phải kiên quyết xử lý những hộ nhận cây về trồng đối phó hoặc không trồng. Xã cũng chưa xử phạt trường hợp nào và cũng không có chuyện từ chối giao dịch hành chính bằng con dấu đối với công dân (?!)”.
Bội tín và xù nợ
Nhiều hộ dân tại xã Thanh Khê phản ánh, họ lên nhập ớt cho Cty Á Châu nhưng bị chê ỏng chê eo, loại quá nhiều. Sản phẩm bán được đã ít, dân còn bị doanh nghiệp thanh toán nhỏ giọt. Không lấy được tiền, chán nản, nhiều hộ bỏ mặc cánh đồng ớt cho trâu, bò gặm cỏ.
Không được thu mua, cây ớt bị người dân Thanh Khê bỏ bê
Thông tin từ UBND xã Thanh Khê cho biết, đến thời điểm cuối tháng 7/2014, Cty Á Châu mới thu mua cho dân được 43 tấn ớt, tương đương 250 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty mới thanh toán 60 triệu đồng, từ đó đến nay không thấy công ty đả động gì đến việc trả tiền cho người dân nữa.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]