Cán bộ kỹ thuật của Cty Kato Goup và Cty Bidifisco kiểm tra chất lượng cá ngừ
Đây là bước ngoặt của ngành thủy sản tỉnh này...
Tìm đầu ra cho cá ngừ
Để phát triển kinh tế biển, nhiều năm qua lãnh đạo tỉnh Bình Định đau đáu tìm đầu ra cho cá ngừ đại dương, một tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Trong những chuyến đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Bình Định miệt mài giới thiệu sản phẩm cá ngừ đại dương với nước bạn. Nhật Bản là đất nước tiêu thụ lớn mặt hàng này nên Bình Định nhanh chóng ký được bản ghi nhớ cam kết hợp tác với Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai (Nhật Bản).
Hai bên đã thống nhất hỗ trợ xây dựng và thực hiện mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật. Vừa mới đây, chiều ngày 5/8, Bình Định đã ký kết với Cty Kato Group (Nhật Bản) hợp đồng tiêu thụ cá ngừ đại dương.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN-PTNT Bình Định), cho biết: “Với sự giúp đỡ của Hội hữu nghị Nhật - Việt, tháng 1/2014 Bình Định đã cử 4 cán bộ kỹ thuật sang Nhật khảo sát, nắm bắt phương pháp đánh bắt, xử lý và bảo quản cá ngừ sau khai thác ngay sau khi đánh bắt.
Sau khi nhận thấy hiệu quả, những cán bộ này đã đề xuất UBND tỉnh Bình Định mua 5 bộ thiết bị chính gồm những máy tạo xung điện và máy thu câu tự động. Sau đó, ngành nông nghiệp Bình Định đã hỗ trợ kinh phí cho 5 tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương cải tiến hầm đá, cấp thiết bị mới để thực hiện mô hình thí điểm”.
Ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục KT-BVNLTS Bình Định, cho biết thêm: Về tổ chức xây dựng mô hình liên kết SX cá ngừ theo chuỗi có 3 bên tham gia, đó là nhóm tàu khai thác của ngư dân, Cty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Cty Kato Group Nhật Bản.
Nhóm tàu khai thác gồm 5 tàu của ngư dân huyện Hoài Nhơn chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương bằng công nghệ của Nhật Bản. Cty Bidifisco tham gia với với vai trò thu mua, xuất khẩu và Cty Kato Hitoshi General Opffice đóng vi trò tiêu thụ độc quyền tại Nhật Bản.
Sau chuyến đánh bắt thí điểm bằng công nghệ tiếp nhận từ Nhật Bản, những chủ tàu cá trong mô hình rất phấn khởi.
Ngư dân Nguyễn Quê, chủ tàu cá BĐ-96776 TS ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn - Bình Định), cho biết: “Dù đang cuối mùa đánh bắt nhưng nhờ thiết bị mới nên chiếc tàu của tui đánh bắt được 20 con cá ngừ đại dương, bình quân mỗi con 50kg. Hiệu quả lắm, với thiết bị này, việc câu cá diễn ra rất nhanh, cá không vật vã nên chất lượng tăng gấp đôi so với cách làm trước đây.
Khi cá cắn câu, dùng bộ xung điện chích vào nó, cá bất tỉnh ngay và chỉ 1 loáng là kéo được cá lên tàu. Nhờ không giãy giụa nên con cá có chất lượng tốt. Nếu như trước đây khi cá cắn câu phải nửa giờ mới đưa được lên tàu thì bây giờ chỉ cần 5 phút”.
Ngư dân đưa cá ngừ lên khỏi tàu để kiểm tra chất lượng
Ngư dân La Tình, chủ của 2 tàu cá BĐ-95648 TS và BĐ-96225 TS ở cùng địa phương với ngư dân Nguyễn Quê, cho biết thêm: “Hai chiếc tàu của tui xuất bến vào ngày 15/7, do gặp gió dữ quá nên đánh bắt được ít. Tuy nhiên, tụi tui quyết định vào bờ cho kịp chuyến hàng đầu tiên đi Nhật Bản”.
Tạo uy tín
Sáng 6/8, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra chất lượng 37 con cá ngừ đầu tiên được 4 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định đánh bắt bằng thiết bị công nghệ mới của Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ có 9 con đủ tiêu chuẩn được chọn với trọng lượng 448 kg sẽ xuất khẩu qua Nhật Bản chuyến này.
Ông Hrosuke Kato, GĐ Cty Kato Group, cho biết: “Chuyến hàng đầu tiên này mang ý nghĩa rất quan trọng về uy tín của cá ngừ Bình Định nên chúng tôi phải lựa chọn kỹ. Nhân dịp này, cán bộ kỹ thuật của Cty Kato Group sẽ truyền đạt cho cán bộ kỹ thuật Cty Bidifisco cách đóng thùng để bảo quản cá tốt nhất”.
Ông Maki Katsutoshi, đại diện cho Cty Thủy sản Daiky, 1 đơn vị đầu mối tiêu thụ cá ngừ lớn với gần 20 cửa hàng chuyên bán sản phẩm cá ngừ ăn sống ở Nhật Bản sức tiêu thụ khoảng 500 tấn mỗi năm, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Cty Kato Group lo việc tiêu thụ cá ngừ của Bình Định. Chúng tôi đã bàn, cá ngừ Bình Định sang Nhật một phần sẽ được đưa vào thị trường đấu giá, một phần bán cho các công ty đầu mối”.
Bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty Bidifisco, cho hay: “Chúng tôi đã làm việc với Cty Kato Group về việc đặt văn phòng đại diện tại Nhật Bản để phụ trách việc tiêu thụ. Song song, chúng tôi làm việc với lãnh đạo sân bay Phù Cát (Bình Định) về việc vận chuyển chuyến hàng đầu tiên này về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), và từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Nhật Bản”. Cũng theo bà Lan, chiều 6/8, 9 con cá ngừ đầu tiên sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Nhật Bản vào ngày 8/8.
Đánh giá về chất lượng cá ngừ, ông Masakazu Shoga - chuyên gia kỹ thuật của Cty Kato Group, nói: “Chất lượng cá ngừ khá tốt, màu cá, mắt cá rất đẹp. Tuy nhiên, để đạt chất lượng mà người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu thì ngư dân Bình Định còn cần phải cố gắng hơn với phương pháp bảo quản. Lần này số lượng cá đạt chuẩn tuy ít nhưng chúng tôi đánh giá cao sự cố gắng của các bạn. Mong rằng ở những lần sau sẽ là 100% số cá đánh bắt được sẽ được tiêu thụ ở thị trường Nhật”.
Ông Masakazu Shoga còn cho rằng: “Chất lượng cá còn kém là do ngư dân vẫn mắc sai sót ở khâu câu cá và bảo quản, ướp cá ngay trên tàu chưa được tốt. Chúng tôi đã cắt ở phía dưới đuôi mỗi con cá ngừ một miếng thịt để kiểm tra màu sắc cũng như độ mềm. Chỉ cần nhìn vào miếng thịt sẽ biết con cá nào đạt chất lượng và ngư dân mắc sai ở khâu nào thì chúng tôi sẽ hướng dẫn cho ngư dân sau”.
Tuy nhiên, bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty Bidifisco, vẫn rất phấn khởi: “Dù sản phẩm XK chỉ đạt 30% nhưng thời điểm này là cuối vụ đánh bắt, lại đang mùa gió Nam, nước biển nóng hơn nên chất lượng cá ngừ thấp. Nếu vào chính vụ sản lượng đi Nhật có thể đạt từ 70-80%”.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]