Hẹn Phong Lạc khi nào trở lại sẽ viết về sự đổi thay của những ấp ven đầm Thị Tường. Vậy rồi khi gặp anh Võ Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND xã, nghe thông tin “diện tích đất ven đầm có chủ trương thu hồi lại giao cho UBND tỉnh quản lý, bà con dưới đó đang sắp xếp, ổn định lại sản xuất, trồng bồn bồn, nuôi cá lóc…”.
Thấy chúng tôi cười, anh Trung nhấn mạnh lại một lần nữa: “Mô hình này giờ được coi là điểm nhấn của toàn xã, vừa dễ quản lý, dễ nhân rộng lại có hiệu quả kinh tế bền vững. Bà con khoanh ô, ngọt hoá quanh năm, bởi vậy vị bồn bồn ở đây ngọt thiệt ngọt. Ði, đi với anh sẽ rõ…”.
Luồng gió mới
Mấy bận về Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời) vẫn cảm giác bình yên và như lời anh Trung nói: “Ðịa phương mọi thứ cũng bình thường”. Ðiểm qua thế mạnh kinh tế chủ lực của xã vẫn là kinh tế thuỷ sản, đa cây, đa con trên cùng diện tích. Bứt phá thì chưa rõ ràng, nhưng sự đổi thay của vùng đất này là điều có thể cảm nhận bằng “mắt thấy, tai nghe”.
Anh Trung cho biết, xã còn hơn 11,5% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Riêng mấy năm qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nên vụ lúa trên đất nuôi tôm thất trắng. Vùng Phong Lạc phải đợi khép kín cống thuộc Tiểu vùng 3 nếu muốn khôi phục lại cây lúa. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến vẫn được xác định là hướng đi chính của Nhân dân.
Cây bồn bồn đã giúp gia đình ông Ba Chanh, anh Út Sinh thay đổi.
Trong bối cảnh bình thường ấy, chợt có một ấp “bất thường”, đó là ấp Tân Bằng (cái tên Tân Bằng gợi nhớ vùng đất chúng tôi đi qua ở Thới Bình với nghề đan đát dần dà phôi pha). Cũng cái tên ấy, đang thổi luồng gió mới, gió vui trên đất Phong Lạc.
Anh Trung bộc bạch: “Thật ra bà con ở Tân Bằng trước cũng khổ lắm, khi chuyển dịch rồi chỉ biết trông chờ vào con tôm. Có lúc bà con kéo nhau đi lao động ngoài tỉnh vì cuộc sống thắt ngặt quá. Con tôm thì rủi ro nhiều”. Trong lúc “giữa cơn nước nguy, xuồng ai nấy lạo” thì ông Ba Hải và anh Út Sinh xuất hiện. Một già - một trẻ, bằng sức nghĩ, sức làm của mình khiến bà con ấp Tân Bằng nghĩ lại: Ði đâu cho xa, đất nhà mình cũng có thể làm ăn tấn tới.
Gặp ông Ba Hải (Lê Văn Hải) đang tất bật gom lứa dưa hấu mới hái chuẩn bị bán cho thương lái, ông dặn trước: “Chụp hình trong này thôi nghen, ngoài ruộng mới xuống giống vụ Tết, mấy anh thông cảm… quay chụp sợ nó hổng hên”.
Ông Ba dáng rặt nông dân, ăn nói thiệt thà: “Cái nghề này nhờ mấy anh trên tỉnh xuống tập huấn, tôi thấy đất bờ thửa còn nhiều, làm đại, ai dè trúng thiệt”. Ông Ba Hải trồng dưa hấu, dưa leo, bầu bí, khổ qua… Tới đây, vợ chú Ba tiếp lời: “Trời đất ơi, hổng có trồng trọt mấy thứ này chắc nhà còn khổ dữ lắm”.
Ông Ba mời khách ăn miếng dưa đỏ lự mà trầm ngâm: “Tôi trồng hầu như hổng có phân thuốc, giờ người ta ăn cái gì cũng sợ, mình làm phải nghĩ tới chuyện tích đức nữa…”. Thật không ngờ, ở giữa ruột đất Phong Lạc, một lão nông chỉ biết có đồng đất lại phát biểu cảm khái đến vậy.
Cà Mau mới dứt đợt mưa “thúi trời, thúi đất”, nhìn những trái dưa hấu xanh tròn, dù không lớn lắm, cũng đủ thấy quyết tâm và tài nghệ của người nông dân Tân Bằng. Mừng hơn, ở xung quanh nhà ông Ba Hải, nhiều người cũng bắt đầu xách dao ra mần cỏ bờ vuông, bầu hột giống để gieo vào đồng đất những mùa màng hứa hẹn.
Ông Ba trầm ngâm: “Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, có làm mới có ăn. Mỗi năm nhà tôi trồng 3 vụ màu, cộng với con tôm, con cua, đời sống cũng thoải mái hơn”. Nói ít, làm nhiều, bà con vùng này lại đâm ra “khoái” ông Ba Hải suốt ngày lầm lũi ở ngoài đồng ruộng. Không chỉ vậy, bà con còn rất tin ông Ba, tin vào tương lai của mình trên mảnh đất quê hương.
Ngọt vị bồn bồn
Xéo mé kinh với ông Ba Hải, có ông Ba Chanh, nhà đông con ít đất. Chưa kể có lúc còn “bể nợ”, cả nhà tính gom đồ đạc lên Bình Dương, thì con trai út tên Ðào Văn Sinh có ý kiến: “Ðợi con thử trồng lứa bồn bồn, không được thì đi”. Từ 4 công bồn bồn, duyên đất, duyên người khiến cả nhà bị thuyết phục. Hơn 20 tuổi, anh Sinh trở thành chỗ dựa kinh tế cho gia đình với mô hình trồng bồn bồn, nuôi cá đồng (chủ yếu là cá lóc). Út Sinh không những trả được nợ mà còn mua thêm đất sản xuất. Út Sinh hiện là Bí thư Chi đoàn ấp Tân Bằng, mới năm rồi nhận được bằng khen cấp tỉnh về thành tích học tập và làm theo gương Bác.
Ông Nguyễn Thái Tuấn, Bí thư Chi bộ ấp Tân Bằng, tấm tắc: “Út Sinh chịu làm, chịu học hỏi, theo tôi đánh giá mô hình này rất có triển vọng nhân rộng, lại dễ quản lý và hiệu quả kinh tế cao”. Bình quân mỗi ngày, chỉ riêng cây bồn bồn, nhà Út Sinh thu về từ 500.000-700.000 đồng, số tiền không nhỏ đối với bà con nông dân. Tuy nhiên, để có được thành quả này, Út Sinh cũng “trầy da, tróc vẩy”. Anh kể: “Hồi mới làm, người ta nói cái này trồng ăn chơi chớ buôn bán gì”.
Sau thời gian thăm dò, Út Sinh mạnh dạn bàn với gia đình khoanh ô hết diện tích đất, mùa hè thì khoan cây nước bơm vô để giữ ngọt, mùa mưa thì tích nước. Cây bồn bồn nhanh chóng sinh sôi nảy nở, ở dưới nuôi cá lóc, cá bổi.
Tới lúc thu hoạch, cả xóm bu lại hỏi Út Sinh: “Trời đất ơi, ngày bán gần cả triệu lận hả?”. Út Sinh chỉ cách trồng, cho giống, lăn xả giúp những người cũng có ước mơ đổi đời như anh. Cả xóm xanh bừng lên màu lá bồn bồn. Út Sinh lội xuống nhổ một cụm bồn bồn, tước lấy củ hủ rồi đưa khách: “Anh ăn thử đi, bồn bồn ở đây giòn và ngọt, không bị gắt cổ như chỗ khác”. Anh cười rồi thú thiệt: “Thấy mình cũng liều, chớ mùa hạn gắt vừa rồi, tháng bơm nước gần 4 triệu đồng tiền điện”.
Hỏi về đầu ra cây bồn bồn, Út Sinh trả lời gọn hơ: “Cái này cũng là đặc sản Cà Mau mà, có thể gắn bó với nó lâu dài được”. Trên đầm là bồn bồn, dưới là lứa cá lóc đồng đớp mồi mau lớn, Út Sinh đã mở ra một mô hình mà bấy lâu nay Phong Lạc tìm kiếm.
Ði một vòng Phong Lạc, đọng lại trong nghĩ suy là miếng dưa hấu đỏ lự, củ hủ bồn bồn giòn ngọt, con cá lóc nướng trui cặp rau vườn chấm nước mắm ngon thiệt ngon… Ông Ba Chanh còn căn dặn, có dịp nhớ về chơi, rủ thêm bạn bè về nữa. Ngoài kia là ruộng bồn bồn quanh năm xanh suốt - màu xanh chở đầy hy vọng và cuộc sống sung túc bền lâu./.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]