“Bình mới rượu cũ”
Sau hơn 16 tháng với nhiều lần sửa chữa, Nghị định 84 (sửa đổi)về kinh doanh xăng dầu đến nay vẫn chưa ra đời. Nguyên nhân sâu xa do cơ chế điều hành giá còn nhiều điểm chưa được thống nhất. Lãnh đạo Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Theo vị lãnh đạo này, điểm mới đáng chú ý trong lần sửa đổi này là chuyển quyền chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương. “Bộ Công Thương tới đây sẽ là đầu mối duy nhất điều hành giá xăng dầu”, vị này khẳng định.
Trước thông tin trên, một số chuyên gia cho rằng, giá không tách khỏi hoạt động kinh doanh, hoạt động thị trường. Do vậy, việc giao quyền cho Bộ Công Thương chủ trì điều hành giá xăng dầu có ưu điểm là trách nhiệm quy về một mối cho cơ quan nhà nước duy nhất quản lý, thay vì liên Bộ Tài chính-Công Thương. Cách làm này được kỳ vọng sẽ không còn cảnh đùn đẩy trách nhiệm khi có vấn đề trong điều hành giá mặt hàng nhạy cảm này.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu giá cả, việc trao quyền điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công Thương khiến dư luận lo ngại về tính khách quan, minh bạch.
Ông Long cho biết, “Về cách thức điều hành giá xăng dầu còn lúng túng như hiện nay, nếu sửa đổi mà không tuân thủ theo đúng thể chế xác định giá với các loại thị trường trong cơ chế thị trường, sẽ không bao giờ tháo gỡ được những tồn tại vướng mắc; chưa tạo được sự đồng thuận của xã hội”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý: Bộ Công Thương đang chịu trách nhiệm về xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý hệ thống phân phối và hầu hết doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nay lại thêm quyền điều hành giá khiến dư luận quan ngại Bộ này sẽ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Theo thông tin mới nhất, hiện Bộ Tài chính và Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định 84 (sửa đổi) theo hướng hạ biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp với khả năng chấp nhận của nền kinh tế nước ta hiện nay, gồm 3 mức: 2%; trên 2% đến 7%, trên 7%. Về chu kỳ tính giá cơ sở, thực hiện theo phương án: Giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc. Đối với Quỹ bình ổn Giá xăng dầu, việc trích lập quỹ thực hiện theo nguyên tắc thường xuyên, liên tục nhằm tạo nguồn lực để bình ổn.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, dù đã qua nhiều lần sửa đổi, cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhưng về cơ bản; bản chất cách điều hành giá xăng dầu so với Nghị định 84 đang hiện hành là không thay đổi; chỉ thay đổi biên độ của 3 mức, thay đổi chu kỳ, tần suất điều chỉnh giá. “Nói một cách hình tượng, vẫn bình mới, rượu cũ”, ông Long nói.
DN độc quyền sẽ được định giá?
Về định giá xăng dầu, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, không giao toàn quyền cho DN định giá. Về cơ chế định giá vẫn theo 3 mức (biên độ có thấp hơn trước). Cụ thể: DN xăng dầu có quyền tự định giá (tăng, giảm với biên độ 2%); còn với các biên độ cụ thể trên 2% - 7%, nhà nước cùng tham gia với DN; trên 7%, nhà nước toàn quyền.
Bình luận về cơ chế định giá trên, TS. Nguyễn Thùy Dương (Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam) cho rằng, quyết định chia nhỏ biên độ khung là hợp lý. Bởi vì, việc tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong biên độ khung nhỏ sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, không tạo ra những cú sốc trong mỗi lần tăng giảm giá xăng dầu.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện thị trường xăng dầu ở nước ta tuy không phải là thị trường độc quyền, nhưng chưa có thị trường cạnh tranh thực sự; còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường (thực chất là độc quyền nhóm). Sự cạnh tranh còn rất yếu, bởi hiện trên thị trường kinh doanh xăng dầu nước ta có 21 đầu mối, nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn chiếm khoảng gần 50% thị phần. Giá cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu, được tính từ Petrolimex. Do đó, theo ông Long, đối với loại thị trường này, không thể để cho DN tự định giá.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, nếu còn tình trạng có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, nhà nước phải là người quyết giá. Theo đó, chỉ có nhà nước mới đảm bảo được nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa DN và người tiêu dùng.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]