6 tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng xuất siêu với giá trị thặng dư 1,3 tỉ USD. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn đang áp đảo thành tích xuất siêu là tỉ lệ nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn quá lớn.
Kỷ lục… có thể bị phá vỡ
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 140,5 tỉ USD; trong đó xuất khẩu đạt 70,9 tỉ USD, nhập khẩu đạt 69,6 tỉ USD; như vậy, xuất siêu đạt 1,3 tỉ USD. Đáng lưu ý là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,5 tỉ USD trong khi khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu 7,2 tỉ USD.
Nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc đang tạo ra rủi ro cho nền kinh tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: INTERNET.
Về thị trường hàng nhập khẩu, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí đầu với kim ngạch ước tính 20,4 tỉ USD, tăng 21,1% so cùng kỳ năm 2013; trong đó đặc biệt nhập siêu 13,1 tỉ USD, tăng 21,2% so cùng kỳ. Tỉ trọng nhập khẩu từ các thị trường khác đều tăng nhưng tốc độ thấp hơn. Cụ thể, nhập từ ASEAN đạt 11,2 tỉ USD (tăng 5,9%), Hàn Quốc đạt 10,4 tỉ USD (tăng 4,7%), Mỹ 3,2 tỉ USD (tăng 24%), Nhật Bản 5,6 tỉ USD (tăng 1,5%). Riêng nhập khẩu từ EU chỉ đạt 4,5 tỉ USD (giảm 5%).
Chỉ nửa năm nhưng nhập siêu từ Trung Quốc lên mức 13,1 tỉ USD khiến dư luận không khỏi lo ngại về khả năng hết năm nay, kỷ lục nhập siêu 24 tỉ USD từ Trung Quốc được thiết lập trong năm 2013 sẽ bị phá vỡ. Trong bối cảnh diễn biến trên biển Đông ngày càng phức tạp, “kỷ lục” nhập siêu từ Trung Quốc càng đáng quan ngại, tạo ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam.
Điện thoại và linh kiện dẫn đầu
Về xuất khẩu, tuy tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó các mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy vi tính và linh kiện. EU vươn lên vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỉ USD, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2013. Đứng thứ hai là Mỹ, với kim ngạch đạt 13 tỉ USD, tăng 19,5%. Thị trường ASEAN đứng thứ 3 với 9,6 tỉ USD, tăng 4,8%.
Bắt đầu từ năm 2012, mặt hàng điện thoại và linh kiện vượt dệt may, lên vị trí dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu không ngừng gia tăng. Xu hướng này tiếp tục được giữ vững trong 6 tháng đầu năm nay khi tăng tới 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), sự tăng trưởng vững chắc của ngành sản xuất điện thoại di động, đặc biệt là điện thoại thông minh từ nhà đầu tư Samsung với khoảng 500 triệu chiếc được xuất khẩu trong 6 tháng qua đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu những tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, sự “soán ngôi” của điện thoại và linh kiện trong tốp 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực chỉ có ý nghĩa về giá trị kim ngạch mà không tác động nhiều đến chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vốn rất quan trọng đối với hoạt động giao thương của Việt Nam với các nước. Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng việc Samsung đầu tư xây dựng nhà máy tại một số địa phương đã khiến giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại tăng liên tục. Xu hướng mở rộng đầu tư của nhà đầu tư này trong thời gian tới sẽ tiếp tục đem tới sự tăng trưởng đáng kể của ngành sản xuất điện thoại di động nói chung và của kim ngạch xuất khẩu nói riêng nhưng giá trị gia tăng mà Việt Nam tạo ra trong lĩnh vực này lại khá thấp bởi hầu như chỉ là gia công, lắp ráp.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]