Anh Phạm Ngọc Thưởng chăm sóc vườn cam của mình
Mất gần 1 giờ lội bộ trên những con đường đất gập ghềnh, chúng tôi mới đến được nhà anh Phạm Ngọc Thưởng (34 tuổi; ở xóm Kim Lĩnh, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) - một trong những gương thanh niên điển hình lập nghiệp từ hai bàn tay trắng ở địa phương. Căn nhà của anh Thưởng nằm lọt thỏm giữa vùng đồi núi rộng lớn, xung quanh là một màu xanh bạt ngàn của vườn cam bù đang mùa kết trái.
Khai hoang đồi trọc
Nụ cười đôn hậu cùng cách tiếp chuyện chất phác rặt nông dân của anh Thưởng dễ gây cảm tình cho người đối diện. Xòe bàn tay thô ráp, chai sần cho tôi xem, anh cười khoe: “Gần chục năm bỏ công chăm sóc, vợ chồng tôi mới có được cơ ngơi như thế. Đến đây vào mùa thu hoạch, chị sẽ thấy một màu vàng phủ kín cả cánh rừng. Cả vùng lúc ấy vui như hội bởi nhà nhà thu hoạch cam, những nhà buôn cũng tới tận vườn thu mua”.
Mồ côi mẹ từ nhỏ, tuổi thơ của Thưởng là những tháng ngày thiếu ăn, thiếu mặc. Là anh cả trong một gia đình có 7 anh em, do hoàn cảnh khó khăn, năm 14 tuổi, Thưởng phải bỏ học để vào Nam làm thuê kiếm sống. Ròng rã 5 năm ở đất khách quê người, anh nhận ra rằng cuộc sống chẳng thể khá hơn nếu cứ đi làm thuê.
“Vùng Hương Sơn ở Hà Tĩnh vốn nức tiếng cả nước với giống cam bù. Vậy thì tại sao mình không thể làm giàu ngay trên quê hương với nghề trồng cam truyền thống?” - Thưởng tự hỏi. Từ trăn trở ấy, anh quyết định về quê lập nghiệp.
Năm 2002, khi lập gia đình và ra riêng, vợ chồng Thưởng dựng một túp lều tạm bợ giữa ngọn đồi gần nhà làm nơi tá túc. Khảo sát địa hình đất đồi quanh nhà, linh tính mách bảo cho anh biết có thể khởi nghiệp bằng nghề trồng cam bù. Năm 2004, khi Thưởng làm hồ sơ xin UBND xã cho vay 60 triệu đồng để khởi nghiệp, nhiều người ở Sơn Mai vừa mừng vừa lo cho vợ chồng anh.
Bắt tay vào làm, vợ chồng Thưởng gặp khó khăn không ít. Vùng đất đồi khá cằn cỗi, cỏ dại mọc um tùm khiến 2 người mất nhiều thời gian để khai hoang. Đất đồi xen lẫn nhiều đá, nỗi gian truân trong việc khai hoang càng nhân lên gấp bội.
Tìm được giống tốt thì Thưởng lại đối diện nỗi lo thiếu phân bón bởi kinh phí đầu tư có hạn. Không nản chí, vợ chồng anh bỏ công nhặt phân bò vương vãi, trộn thêm với phân tổng hợp để chăm bón cho cam. Nhờ đồng vợ đồng chồng, từ vài gốc ban đầu, chỉ trong một thời gian ngắn, 2 vợ chồng đã có trong tay gần trăm gốc cam bù.
Thành quả của sự kiên trì
Một gốc cam từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất hơn 4 năm. Để có thể trả vốn vay, vợ chồng Thưởng phải làm đủ nghề. “Năm đầu tiên, tôi gầy được gần 300 gốc cam. Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cam thường bị sâu, thậm chí chết rũ. Lúc ấy, tôi tự động viên mình bởi thất bại là mẹ thành công” - anh tâm sự.
Dày công nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, nhất là quan sát quá trình sinh trưởng của cam và chịu khó học hỏi từ các bậc cao niên trong vùng, Thưởng tích lũy được kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc cam. Vụ đầu thu hoạch, chứng kiến vườn cam trĩu quả, vợ chồng anh mừng đến phát khóc. Nhờ được chăm sóc chu đáo, những quả cam bù có vẻ bề ngoài bắt mắt, hương vị dịu ngọt hiếm nơi nào có được, thuyết phục được những bậc cao niên trong vùng.
Ngay trong vụ đầu tiên, không chỉ trả hết nợ, vợ chồng Thưởng còn có dư để mua thêm đất mở rộng canh tác. Thành quả của sự kiên trì ấy ở chàng trai trẻ khiến bà con trong vùng nể phục.
Khởi nghiệp từ tay trắng, sau 10 năm, anh Thưởng hiện có 7 ha đất với gần 1.200 gốc cam, chủ yếu là cam bù. Thu nhập từ vườn cam của anh mỗi năm gần 500 triệu đồng, một con số trong mơ so với mặt bằng chung ở một xã nghèo ở Hương Sơn. Năm nào cũng vậy, thương lái đều đua nhau tìm đến đặt hàng ngay tại vườn nhà anh.
Làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, chàng trai Phạm Ngọc Thưởng nhận được rất nhiều lời khen. Khiêm nhường, không phô trương và sống có nghĩa tình với xóm làng nên anh càng được bà con nể trọng.
Bộn bề công việc song Thưởng vẫn dành thời gian hướng dẫn kinh nghiệm, tư vấn và sẵn sàng cung cấp cam giống cho bà con có nhu cầu. Không chỉ giỏi trồng cam, anh còn thành công với việc áp dụng mô hình vườn - ao - chuồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Mở lối thoát nghèo
“Giá trị của cam bù không những ở hương vị mà còn là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể. Thành công của Thưởng đã mở ra lối thoát nghèo cho bà con ở một địa phương còn nhiều khó khăn như Mai Sơn” - ông Trần Thanh Nga, Chủ tịch UBND xã Sơn Mai, nhận xét.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]