GDP tăng trưởng vượt dự báo
Tháng 9 vừa qua, do nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhà nước còn chậm và lo ngại những mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông từ tháng 5/2014 có thể ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2014 từ 5,6% xuống còn 5,5%. Đồng thời, một số chuyên gia kinh tế của Bloomberg cũng dự đoán GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 5,4%.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2014 ước tính tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013. So với cùng kỳ 2 năm trước, năm 2012 tăng 5,10% và năm 2013 tăng 5,14% thì mức tăng trưởng của năm 2014 đạt cao nhất; đồng thời là mức tăng trưởng vượt dự báo. Trước đó, tại Hội nghị giao ban sản xuất - kinh doanh, Bộ KH & ĐT cũng dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay ước đạt khoảng 5,54%.
Đóng góp vào mức tăng trưởng vượt dự báo của cả nước là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, cao hơn mức 2,39% của cùng kỳ năm 2013. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,42%, cao hơn mức 5,2% của 9 tháng năm 2013. Khu vực dịch vụ tăng 5,99%, mức tăng của cùng kỳ năm 2013 là 6,25%. Xét theo khu vực, GRDP Thành phố HCM 9 tháng đạt mức tăng trưởng 8,9%, Hà Nội đạt 7,9% và Long An đạt 10,5%.
Cán cân thương mại đạt mức thặng dư kỷ lục
Nếu như những năm trước, trong quan hệ kinh tế thế giới, Việt Nam luôn là nước nhập siêu; thì trong khoảng 3 năm trở lại đây, vị thế của Việt Nam đã thay đổi. Theo báo cáo của Tổng cục hải quan Việt Nam, sau 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu đạt 94,16 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; đưa thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ USD – mức thặng dư kỷ lục từ trước đến nay.
Theo thống kê sơ bộ 9 tháng, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 102,68 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu 100,65 tỷ USD; xuất siêu hơn 2,1 tỷ USD. Đóng góp lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước là khu vực FDI với kim ngạch xuất khẩu đạt 63,19 tỷ USD; chiếm 61,54% và nhập khẩu đạt 56,69 tỷ USD, chiếm 56,32%. Như vậy, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, khu vực FDI đã xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD.
Về xuất khẩu, có đến hơn 20 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, điện thoại, linh kiện (đạt 16,04 tỷ USD) và dệt may (đạt 14,48 tỷ USD) đang chiếm ưu thế vượt trội, đóng góp gần 30% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của của cả nước. Theo sau đó là các sản phẩm giày dép, máy vi tính, hàng thủy sản, dầu thô ….
Về nhập khẩu, trong 9 tháng qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc, thiết bị phụ tùng, vải … phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/9/2014 cả nước có 1.152 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,64 tỷ USD và 418 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 3,54 tỷ USD. Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỷ USD; tương đương 74,5% so với cùng kỳ 2013. Tuy tổng vốn đầu tư FDI thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013, nhưng dòng chảy vốn lại có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu rót vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn 7,7 tỷ USD, chiếm gần 68,9% tổng số vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD, chiếm gần 11% và lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 612,1 triệu USD, chiếm 5%.
Dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản ngày càng tăng cao là một dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đang chuyển dần sang ưu tiên phát triển hai ngành công nghiệp mũi nhọn là công nghệ thông tin và công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó, "công xưởng" thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) cũng là một lợi thế lớn cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta. Với nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động rẻ, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cần lượng nhân công lớn.
Về đối tác đầu tư, đã có 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,55 tỷ USD, chiếm 31,8%; sau đó là Hồng Kông chiếm 13,6%, Nhật Bản 12,9% và Singapore 9,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong 9 tháng năm 2014, các nhà đầu tư FDI đầu tư vào gần 50 tỉnh trên địa bàn cả nước, trong đó, Bắc Ninh là địa phương thu hút được FDI mạnh nhất với tổng vốn đầu tư 1,36 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư trên cả nước. TP Hồ Chí Minh vươn lên đứng thứ hai với vốn đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 11,5%. Theo sau TP Hồ Chí Minh là Đồng Nai với tổng vốn đầu tư đạt 1,17 tỷ USD, chiếm 10,4% và Bình Dương 1,11 tỷ USD, chiếm hơn 10%.
Như vậy, có thể nói, mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, song bức tranh kinh tế Việt Nam 2014 đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Và những điểm sáng này là cơ sở để định hướng cho những bước đi hứa hẹn thành công tiếp theo.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]